Cuối cùng, giới khoa học vẫn không thể kết luận được phần nào – lý thuyết
hay thực nghiệm – đã thúc đẩy khoa học nhiều hơn. Điều này đặc biệt đúng
khi xét tới việc Mendeleev đã nhiều lần dự đoán sai. Ông thực sự rất may
mắn khi một nhà khoa học giỏi như Lecoq de Boisbaudran đã phát hiện ra
eka-nhôm trước. Nếu ai đó bới móc một trong những dự đoán sai ấy –
Mendeleev dự đoán có rất nhiều nguyên tố đứng trước hydro và thề rằng hào
quang Mặt Trời chứa một nguyên tố độc đáo là coroni – nhà bác học Nga có
thể đã chìm vào quên lãng. Nhưng cũng như những pha bói mò của giới
chiêm tinh cổ đại được hào quang rực rỡ của một ngôi sao chổi mà họ đoán
chính xác che lấp đi, mọi người thường chỉ nhớ đến những khúc khải hoàn
của Mendeleev. Lịch sử đã hào phóng ghi nhận cho Mendeleev – cùng
Meyer và nhiều nhà bác học khác – quá nhiều công lao. Họ có những đóng
góp quan trọng trong việc xây dựng “tấm lưới” treo nguyên tố này; nhưng
đến năm 1869, chỉ có 2/3 các nguyên tố được phát hiện và một số ngồi sai
cột và hàng trong nhiều năm (ngay cả ở các bảng tuần hoàn chuẩn nhất).
Hàng loạt công trình đã khiến sách vở sẽ ngày càng xa rời Mendeleev, đặc
biệt là về họ lantan – mớ hỗn độn hiện đang nằm ở đáy bảng tuần hoàn. Họ
lantan bắt đầu với lantan (nguyên tố thứ 57), và vị trí thích hợp cho chúng
trên bảng tuần hoàn đã khiến các nhà hóa học bối rối đến tận thế kỷ 20. Các
electron lớp f của các nguyên tố này khiến họ lantan dính vào nhau một cách
rất khó chịu; tách chúng ra để đặt vào vị trí thích hợp chẳng khác nào gỡ một
mớ bòng bong. Máy quang phổ cũng gặp khó khăn với họ lantan vì khi các
nhà khoa học phát hiện ra hàng tá dải màu mới, họ không biết chúng ứng với
bao nhiêu nguyên tố mới. Ngay cả Mendeleev vốn không ngại dự đoán cũng
cho rằng các lantan hóc búa đến mức khó mà dự đoán nổi. Một số nguyên tố
sau ceri (lantan thứ hai) được biết đến vào năm 1869. Nhưng thay vì dự
đoán thêm nhiều “eka” khác, Mendeleev thừa nhận sự bất lực của mình. Sau
ceri, ông để trống nhiều hàng trong bảng tuần hoàn. Sau đó, ông thường điền
lộn xộn các lantan mới sau ceri, một phần vì nhiều nguyên tố “mới” hóa ra
lại là sự kết hợp của những nguyên tố đã biết. Như thể ceri là nơi tận cùng
của thế giới hóa học mà Mendeleev và những nhà khoa học khác đã biết