năng bắn đạn pháo đường kính gần 42 cm, nặng gần 1.000 kg đi xa 14,5 km
chỉ trong vài giây. Tuy nhiên, một sai sót lớn đã làm hỏng Bertha. Bắn đạn
pháo nặng cả tấn cần đến nhiều thùng thuốc súng, nhiệt lượng cực lớn sinh
ra khiến các nòng pháo bằng thép dàì 6 m bị uốn cong và thiêu rụi. Sau vài
ngày bắn phá điên cuồng, ngay cả khi người Đức tự giới hạn là vài phát mỗi
giờ, thì khẩu pháo vẫn tự hỏng vì không chịu nổi nhiệt lượng do chính nó
tỏa ra.
Không bao giờ chịu thua lỗ khi cung cấp vũ khí cho Tổ quốc, công ty vũ khí
Krupp nổi tiếng đã tìm ra một công thức để tăng độ bền của thép: pha thêm
molypden vào. Molypden chịu được nhiệt độ rất cao vì nhiệt độ nóng chảy
của nó là 2.621°C, cao hơn sắt (kim loại chính trong thép) cả ngàn độ.
Nguyên tử molypden lớn hơn sắt nên khó bị kích thích hơn; số lượng
electron của chúng nhiều hơn sắt 60% nên hấp thụ nhiệt nhiều hơn và liên
kết chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, các nguyên tử trong chất rắn thường tự tái
cấu trúc (thường là một cách tệ hại) khi nhiệt độ thay đổi (ta sẽ thảo luận
nhiều hơn trong chương 16), nên thường khiến kim loại giòn hơn, dễ bị nứt
hỏng. Trộn thép với molypden giúp kết dính các nguyên tử sắt, ngăn chúng
trượt khỏi vị trí vốn có của mình. (Đức không phải là nước đầu tiên phát
hiện ra điều này. Một bậc thầy rèn kiếm ở Nhật Bản thế kỷ 14 đã rắc
molypden vào thép và tạo ra những thanh kiếm được thèm muốn nhất ở đảo
quốc này: lưỡi kiếm của ông không bao giờ bị cùn hay nứt vỡ.
Nhưng từ khi “vị thần rèn” Nhật Bản ấy qua đời, kỹ thuật này đã thất truyền
suốt 500 năm – bằng chứng cho thấy kỹ thuật vượt trội không phải lúc nào
cũng được truyền bá rộng rãi và thường bị thất truyền.)
Quay lại với những chiến hào đầy khói lửa của Thế Chiến I, người Đức đã
sớm nã vào Pháp và Anh bằng pháo thế hệ thứ hai làm từ thép molypden.
Nhưng Đức nhanh chóng phải đối mặt với một thất bại lớn khác: không có
nguồn cung và đứng trước nguy cơ cạn kiệt molypden. Trên thực tế, nguồn
cung duy nhất được biết đến là một khu mỏ đã phá sản và gần như bị bỏ
hoang trên núi Bartlett ở Colorado.