các phụ gia khác của thép được thể hiện ngay trên bảng tuần hoàn. Vonfram
nằm ngay dưới molypden nên có các đặc tính tương tự. Nó nhiều electron
hơn nên nhiệt độ nóng chảy lên tới 3.427°C. Thêm vào đó, nguyên tử khối
của vonfram lớn hơn molypden nên cũng neo giữ nguyên tử sắt tốt hơn. Hãy
nhớ lại khả năng hoạt động hóa học mạnh của clo giúp nó hiệu quả ra sao
trong các cuộc tấn công bằng khí độc. Ở đây, vonfram đã trở thành một kim
loại rất hấp dẫn nhờ độ cứng và độ bền của nó.
Hấp dẫn đến mức Đức Quốc Xã đã dùng hết toàn bộ vonfram dự trữ vào
năm 1941, khiến Quốc trưởng phải đích thân can thiệp. Hitler lệnh cho các
bộ trưởng thu mua toàn bộ lượng vonfram mà những đoàn tàu xuyên nước
Pháp (bấy giờ đã đầu hàng Đức) có khả năng chuyên chở. Nhưng thay vì trở
thành một thị trường chợ đen, toàn bộ quá trình lại hoàn toàn minh bạch,
như một sử gia ghi lại. Vonfram được chuyển từ Bồ Đào Nha qua Tây Ban
Nha (một nước “trung lập” khác) phát xít, và rất nhiều vàng mà Đức Quốc
Xã thu từ người Do Thái – thậm chí lấy từ răng người chết vì khí độc – đã
được “rửa” tại các ngân hàng ở Lisbon và Thụy Sĩ (lại một nước trung lập).
(50 năm sau, một ngân hàng lớn ở Lisbon vẫn khăng khăng rằng họ không
hề biết 44 tấn vàng nhận được là “tiền bẩn”, dù nhiều thỏi vàng vẫn còn dấu
chữ thập ngoặc.)
Ngay cả người Anh bảo thủ cũng không thèm để tâm đến vonfram, cho dù
kim loại này đang góp phần tàn sát lính Anh trên chiến trường. Thủ tướng
Winston Churchill nói việc mua bán vonfram của Bồ Đào Nha là “tội nhẹ”;
và để không bị hiểu sai, ông nói thêm rằng Salazar “chẳng sai” khi bán
vonfram cho các kẻ thù không đội trời chung của Anh. Tuy nhiên, lần nữa
lại có nước bất đồng. Thương vụ trần trụi mang lại lợi ích cho Đức Quốc Xã
này khiến Mỹ phẫn nộ. Giới chức Mỹ không thể hiểu nổi tại sao Anh không
ra lệnh hay công khai uy hiếp Bồ Đào Nha để nước này thôi trò trung lập hai
mang kia. Dưới áp lực kéo dài của Mỹ, Churchill cuối cùng cũng đồng ý
dùng vũ lực với Salazar quân phiệt.