niobi và công nghệ điện thoại di động xuất hiện. Tôi không có ý định đổ lỗi.
Rõ ràng điện thoại di động không gây ra chiến tranh, mà chính các mối thù
hận truyền kiếp đã châm ngòi cho điều đó. Nhưng cũng rõ ràng là nguồn
tiền mặt đổ vào đã kéo dài xung đột. Congo chiếm 60% trữ lượng của hai
kim loại này trên thế giới (chúng hòa với nhau trong lòng đất và tạo thành
khoáng vật coltan). Khi doanh số điện thoại di động tăng từ mức gần như
bằng không (năm 1991) lên hơn một tỷ chiếc (năm 2001), cơn khát coltan
của các nước phương Tây cũng mãnh liệt chẳng kém gì cơn đói của
Tantalus. Điều này đã khiến giá coltan tăng gấp 10 lần. Những người thu
mua quặng cho các nhà sản xuất điện thoại chẳng mảy may bận tâm xem
coltan từ đâu ra; còn người dân Congo cũng không hề biết khoáng vật đó
dùng để làm gì, chỉ biết rằng người da trắng đã trả tiền cho họ và họ có thể
dùng tiền để hỗ trợ các nhóm vũ trang mà mình ủng hộ.
Chính vì lợi ích từ coltan phân đều cho mọi bên nên đã gây ra nhiều tác hại.
Không như khoảng thời gian người Bỉ gian manh điều hành các mỏ kim
cương và vàng ở Congo, không có tập đoàn nào kiểm soát các mỏ coltan,
cũng chẳng cần máy xúc và xe tải để khai thác. Bất kỳ người dân nào có
xẻng và sức khỏe đều có thể đào được vài cân khoáng vật này tại các lòng
suối (nó trông như bùn đặc). Chỉ trong vài giờ, một người nông dân có thể
kiếm được gấp 20 lần những gì hàng xóm làm trong cả năm; và khi lợi
nhuận tăng nhanh, cánh đàn ông đã rời trang trại để đi đào quặng. Điều này
khiến nguồn cung thực phẩm vốn đang thiếu ở Congo càng thêm khan hiếm,
và họ bắt đầu săn khỉ đột để lấy thịt như thể số lượng của chúng nhiều như
trâu vậy. Hậu quả là chúng gần như chết sạch. Nhưng đây vẫn chẳng là gì so
với sự tàn bạo diễn ra sau đó. Đổ tiền vào một quốc gia vô chính phủ chưa
bao giờ là một điều tốt. Thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản bị đẩy lên
mức tàn nhẫn khi tất cả đều được rao bán, kể cả con người. Những khu trại
khổng lồ được bảo vệ kỹ lưỡng mọc lên, rao bán những nữ nô lệ. Chuyện
đâm thuê chém mướn để lấy tiền thưởng diễn ra như cơm bữa. Những câu
chuyện khủng khiếp về những kẻ chiến thắng làm nhục xác nạn nhân bằng