Charlie gật đầu. “Thỉnh thoảng lại có chuyện xấu xảy ra mỗi khi con bị
ác mộng.”
Chuyện vẫn vậy.
Thường thì Charlie ngủ ở nhà, trên chiếc giường mềm mại ấm áp và mọi
chuyện tưởng chừng đều tốt đẹp - ít nhất thì cũng được một lát. Thế rồi, vào
một lúc nào đó trong đêm, chợt có những tiếng hồng hộc, gầm gừ xé toang
ngôi nhà. Đến khi cha mẹ nó chạy xộc vào phòng để xem chuyện gì xảy ra
thì nơi ấy đã tanh bành - nệm thì tung tóe, thảm thì rách bươm, kính thì vỡ
tan vỡ vụn. Và dù chẳng bao giờ bắt gặp lúc Charlie đang phá phách trong
cơn ác mộng, nhưng họ đoán chính nó đã gây ra mọi chuyện chứ chẳng
phải ai khác - đó là giải thích duy nhất nghe có vẻ hợp lý. Thật tình, Charlie
thường cảm thấy hãi hùng mỗi khi đi ngủ vì cứ nơm nớp sợ những gì nó có
thể phải thấy khi thức dậy .
Biến cố vào giờ ngủ trưa (sau đó được đặt tên là “Thảm họa giờ ngủ
trưa”) nhanh chóng trở thành một huyền thoại; và không lâu sau đó, mỗi lần
Charlie đi ngang qua là bọn trẻ lại đồng thanh rống lên “Charlie ác mộng!”
Bố mẹ của Charlie cũng mau chóng được mời đến gặp thầy hiệu trưởng
trường mầm non. Ông này thận trọng giải thích rằng trường Mầm non Vòng
tay Chào đón không còn dám mở rộng vòng tay chào đón bé Charlie nữa.
“Ông bà thấy đấy, những đứa trẻ khác sợ nó,” ông hiệu trưởng nói với
một thái độ cực kỳ nghiêm trọng. “Thực tế là chẳng đứa nào chịu ngủ trưa
khi có thằng bé ở trong phòng. Đây là điều không sao chấp nhận được. Giờ
ngủ trưa là nền tảng của giáo dục mầm non. Đó là chất keo kết dính những
phần còn lại của giáo trình với nhau. Không có giờ ngủ trưa, nổi loạn tất
xảy ra và dĩ nhiên, kéo theo đó là những thiệt hại nặng nề!”
“Tôi hiểu cảm xúc của thầy,” bố Charlie tỏ ra đồng tình bằng giọng nói
bình tĩnh nhất. “Nhưng nếu thầy cho rằng Charlie là nguyên nhân làm bọn
trẻ bất an thì...”