thừa nhận, tiếp nhận sự tồn tại của người khác. Đây là điều cần thiết khi sống
trong tập thể. Nếu chỉ trong quan hệ với người mẹ, bé sẽ không thể nào học
được điều này. Bởi vì quan hệ giữa người mẹ và con là quan hệ giữa một bên
bao bọc, một bên được bao bọc, không phải là quan hệ đối xứng thông
thường.
Theo lời ông Kawago, thế giới loài khỉ cũng có nhóm của những con khỉ con,
đến tuổi dậy thì khi tính tự lập nảy sinh những con khỉ con sẽ tham gia vào
nhóm đó. Kiểm tra thì thấy, so với những con khỉ chỉ lớn lên trong vòng tay
mẹ, thì những con đã có kinh nghiệm sống trong nhóm khỉ con phát triển bình
thường hơn. Điều đó cho thấy khi các bé còn nhỏ, bạn hãy tạo cơ hội cho con
được tiếp xúc với các em bé khác cùng tuổi càng nhiều càng tốt.
29. Cha mẹ cãi nhau sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý của con cái
Khi hòa giải những cuộc cãi lộn của các gia đình ta thường hay nghe câu:
“Bây giờ con còn nhỏ, chứ sau này nó lớn lên, biết phân biệt rồi thì thế nào?
Trước khi con lớn lên và hiểu chuyện, vợ chồng hãy giải quyết cho xong
những khúc mắc này đi”. Người nói câu này thường là các cụ già đã về hưu
sống trong khu chung cư, chuyên hòa giải cho các đôi vợ chồng trẻ. Tuy
nhiên, nói như vậy vẫn còn chưa thấu triệt. Bởi vì, nếu thực sự nghĩ cho đứa
trẻ, thì đã không nói “vì đứa trẻ còn nhỏ nên không sao”, mà sẽ phải nói
“chính vì đứa trẻ còn nhỏ nên càng không được để xảy ra xung đột”.
Tôi đã nói nhiều rằng, môi trường gia đình cho đến lúc đứa trẻ 3 tuổi có ảnh
hưởng mang tính quyết định đến tương lai sau này của đứa trẻ. Vấn đề giữa
hai vợ chồng, vấn đề giữa người lớn với nhau không phải là ngoại lệ. Người
lớn thường dễ mắc sai lầm là nghĩ đứa trẻ còn nhỏ, chưa biết nói thì không
hiểu được các vấn đề phức tạp như mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Thậm chí
khi vợ chồng bất hòa còn lôi đứa trẻ vào cuộc, tạo ra không khí căng thẳng
khiến đứa trẻ đứng ở giữa chịu trận. Điều này giống như hai cái cột trực tiếp
chống đỡ đứa trẻ lúc nào cũng trong tình trạng rung bên này lắc bên kia. Dù
chưa biết nói trẻ vẫn sẽ cảm thấy ngột ngạt và bất an khi sống trong bầu
không khí gia đình như vậy.
Theo câu chuyện của bác sĩ nhi khoa hàng đầu Tomio Ogata, những đứa trẻ
lớn lên trong môi trường gia đình thường xuyên có xung đột giữa bố mẹ có
nguy cơ mắc các chứng nói ngọng và đái dầm cao hơn hẳn. Đặc biệt là giai
đoạn 1 – 2 tuổi khi trẻ bắt đầu tập nói, vốn từ vựng còn ít ỏi, nếu xảy ra bất
hòa trong gia đình thì triệu chứng sẽ không giảm mà càng ngày càng nặng
hơn. Theo báo cáo điều tra của trường Đại học Asahi gawa phần lớn triệu
chứng bệnh dạ dày của các bệnh nhân nhi khoa đều xảy ra ở những em có gia
đình bất hòa hay trong gia đình mọi người ít nói chuyện với nhau.
Chúng ta nhìn từ bên ngoài sẽ không thể nhận ra được những vệt tối mà người