hoặc chơi trò xếp gỗ. Nhìn khung cảnh ấy trong đầu anh thốt lên: “Đúng rồi,
chính là đây. Phải làm như thế này đây”. Kể từ lúc đó, sau này không chỉ ngày
tham quan, mà hễ có cơ hội anh đều khuyến khích các bậc phụ huynh đưa các
em nhỏ ở nhà đến tham gia cùng, sau đó cho ngồi chơi bên cạnh. Đó như một
cách rèn luyện cho các em biết giữ im lặng. Anh cũng nhắc cha mẹ không đưa
kẹo, mà hãy mang cho con truyện tranh hoặc dụng cụ để vẽ, nói chung là
những thứ mà bé có thể yên lặng ngồi chơi được. Phương pháp dạy dỗ không
tách các bé nhỏ ngồi một phòng riêng, mà cho ngồi chung bên cạnh các anh
chị mình cho đến nay đã mang lại nhiều hiệu quả thực tế.
28. Trò chơi giữa những đứa trẻ với nhau giúp thúc đẩy sự trưởng thành
về tâm hồn ở những khía cạnh mà mẹ không làm được
Hôm trước, một bà mẹ cho con theo học lớp phát triển tài năng trẻ tuổi ấu thơ
của tôi có nói như thế này về động cơ theo học: “Việc cho con theo học ở lớp
thầy, mục đích đầu tiên là để con có thể phát huy được một cách tối đa tiềm
năng con có. Nhưng nói thật mục đích chính hơn, là vì tôi muốn cho con có
bạn bè đồng trang lứa”.
Gia đình này vừa mới chuyển nhà đến nội thành Tokyo vì lý do công việc của
người bố. Họ sống ở một khu chung cư yên tĩnh, thuận lợi về nhiều mặt, nhìn
chung không có gì bất tiện cả. Chỉ có điều, người mẹ thấy xung quanh không
có một gia đình nào có trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng bà có địu con ra công viên gần
nhà để chơi, nhưng ở đấy cũng chỉ toàn các anh chị lớn tầm tiểu học. Tuyệt
nhiên không thấy bóng dáng của bé khoảng 2 tuổi như con của chị. Chính vì
thế, đứa trẻ hàng ngày chỉ có thể chơi với mẹ, hoàn toàn không có bạn bè
đồng trang lứa. Bé cũng chưa đến tuổi để có thể đi mẫu giáo. Vì thế, dù ở xa
chị vẫn quyết định tìm đến lớp học của chúng tôi để cho con được theo học
cho có bạn bè. Khi nghe người mẹ này nói, bản thân tôi không khỏi thầm cảm
phục vì suy nghĩ sâu sắc của bà, và tự nhủ mình phải khen ngợi, động viên
tinh thần đó.
Cùng với sự gia tăng của các mô hình gia đình hạt nhân, không chỉ mối quan
hệ theo chiều dọc ông bà – cha mẹ – con cái bị mất đi, mà còn xuất hiện thêm
một vấn đề nữa như ví dụ tôi vừa kể trên. Đó là cơ hội tiếp xúc giữa những
đứa trẻ đồng lứa với nhau giảm dần. Ở nông thôn, cha mẹ, anh em sống quây
quần gần nhau, nên con của các anh chị em, họ hàng sẽ thường xuyên có
nhiều cơ hội đến nhà nhau chơi, giao lưu, chơi đùa. Ngược lại, ở những khu
dân cư mới hay các nhà chung cư cao tầng, cuộc sống khá tách biệt, nên trước
khi đứa trẻ vào mẫu giáo hoặc tiểu học, cơ hội chơi cùng những người bạn
cùng tuổi thực sự hiếm hoi.
Con người cũng như động vật, trong thời kỳ thơ ấu, được tiếp xúc với những
đứa trẻ cùng lứa chính là cơ hội để bé ý thức được những cá thể khác ngoài
bản thân mình, do đó, sẽ có ý thức về sự tồn tại của bản thân đồng thời biết