mình.
Tuy nhiên, Thái tử điện hạ cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác,
đôi lúc không chịu nghe lời, buộc ông phải tét vào mông mới chịu. Khi bị
đánh, Thái tử điện hạ cũng khóc thét lên ăn vạ. Nhưng những lúc đó cả Thiên
hoàng và Hoàng hậu đều tuyệt nhiên không chạy đến dỗ dành, cũng không
hỏi sự tình mà luôn luôn nói ngay: “Tại sao con không nghe lời ông Hamao
hả?”. Ông cho biết chính nhờ sự trợ giúp từ phía sau, cùng phương châm tin
tưởng tuyệt đối và giao trách nhiệm hoàn toàn cho người thầy mà mình đã lựa
chọn của Thiên hoàng và Hoàng hậu, mà ông có thể hoàn thành tốt mười năm
công tác dạy dỗ của mình.
Không bao giờ để xảy ra tiền lệ, quả thực cũng là điều khó khăn cho cả cha
mẹ. Tuy nhiên, ít nhất thì cũng không được vì lý do thấy con còn bé, tội
nghiệp mà tạo ra ngoại lệ. Điều đó không tốt, ngược lại còn dẫn đến những
kết cục đáng thương hơn cho con nữa.
32. Cho trẻ trải nghiệm để biết việc nào là không được làm cũng rất quan
trọng
Đối với con trẻ chưa biết xấu tốt, không cần phải nói lý lẽ nhiều mà cứ thế
dạy cho con những gì cần dạy. Tuy vậy, trong một số trường hợp, nếu chỉ nhìn
mẫu cha mẹ làm, và làm thử một vài lần cơ bản trẻ vẫn không thể nhớ được.
Đặc biệt trong những việc cấm không được làm có không ít những việc mà
chỉ cần sơ sẩy là có thể dẫn đến thương tật, hỏa hoạn, sự cố lớn. Khi dạy
những việc quan trọng như thế này, cho xem mẫu, nghiêm khắc dặn dò để
mong trẻ nhớ, thì vẫn không thể biết thực tế là khi nào sự cố sẽ xảy ra, và
cũng không thể thản nhiên mà chờ đến lúc đó được.
Vừa rồi khi đọc một cuốn sách của nữ diễn viên Miyagi Mariko, người lập ra
trường Nemunoki của Trung tâm bảo trợ các em khuyết tật tay chân, có một
tình huống như thế này. Một cậu bé bị thiểu năng trí tuệ do di chứng của bệnh
tổn thương não, đã vặn van của bình nước nóng chỗ bồn rửa mặt, khiến ga bị
rò rỉ làm mọi người náo loạn. Người quản lý giải thích với cậu rằng: “Hít
nhiều khí ga có thể chết đấy. Nếu bị bắt lửa còn gây phát nổ nữa”. Khi nghe
nói vậy, lúc đó cậu bé có hơi biết lỗi một tí, nhưng chỉ được một lúc lại định
thò tay ra vặn van nguồn của ga tiếp. Người quản lý đã đánh vào tay cậu bé
và mắng cậu rất nhiều để cậu biết lỗi nhưng dường như cậu bé không thể nào
hiểu được sự nguy hiểm của việc mình làm. Cuối cùng người quản lý nắm tay
cậu dẫn tới chỗ giặt giũ có đặt máy vắt khô. Chắc có lẽ chỗ đó có một cái nồi
hơi rất lớn. Rồi châm lửa ngay trước mặt cho cậu bé thấy. Ngay lập tức, một
ngọn lửa to bùng lên. Cậu bé vô cùng kinh hãi đến mức sau đó người quản lý
nói gì cũng gật đầu lia lịa.
Một trường hợp tương tự khác là câu chuyện của nhà văn Komatsu Sakyo.