chống lại được trọng lực. Sự chống lại trọng lực đó biểu hiện đầu tiên ở cổ.
Từ khi sinh ra cho đến 2 tháng tuổi, em bé sống trong thế giới chỉ có nằm, tức
là thế giới nằm ngang. Giai đoạn này, bé không có tiêu điểm để nhìn xuống,
nên cảm giác về khoảng cách vẫn chưa có. Chỉ khi cổ cứng, bé bắt đầu nâng
được cổ, thì thế giới của bé mới thay đổi. Bé nhìn được xa dần, từ những cự
ly gần như ngay dưới cổ cho tới khoảng cách xa hơn. Và từ việc bé phân biệt
được vị trí mẹ ở gần hay ở xa, nếu ở xa thì em cố gắng để bò lại gần mẹ hơn,
mà nhờ đó nuôi dưỡng những ý muốn, hứng thú đối với sự vật, sự việc của
trẻ. Nói như vậy để thấy, hành động bò mà chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ là một
giai đoạn dự bị cho tập đi thực ra lại có những ý nghĩa khác quan trọng hơn
nữa. Do đó, tôi mong các bạn hãy để cho con mình được tập bò thật đầy đủ,
kỹ càng.
38. Trẻ sẽ dễ tiếp thu ngôn ngữ hơn nếu được dạy cả hai phía mắt nhìn và
tai nghe
Có thể nói, trẻ em có thể nhận thức những thứ phức tạp hơn người lớn chúng
ta nghĩ. Kể cả là về từ vựng hay chữ cái. Đặc biệt về khả năng đọc hiểu, như ở
phần trước tôi đã nói, trẻ em có những khả năng đặc biệt mà chúng ta không
lý giải được như có thể nhớ những chữ Hán phức tạp còn nhanh hơn cả những
chữ đơn giản.
Về khả năng này, ông Ishi Iisao – người nổi tiếng vì có thể dạy trẻ con dễ
dàng nhớ được hàng trăm chữ cái, đọc sách một cách trôi chảy, cho biết:
“Không ai có thể khẳng định được trẻ em chỉ có chừng nào khả năng, do đó,
khi dạy trẻ không cần thiết phải chia ra dạy nói và dạy chữ viết”. Tôi hoàn
toàn đồng cảm với quan điểm này. Khi dạy ngôn ngữ, không nên chia ra mà
nên vừa cho nhìn, vừa cho nghe sẽ có hiệu quả hơn. Âm thanh bổ trợ cho chữ
viết, chữ viết bổ trợ cho âm thanh, cả hai cùng hỗ trợ cho nhau thì đương
nhiên bé sẽ dễ nhớ hơn. Người lớn chúng ta từ trước tới nay có sai lầm là khi
đứa trẻ bắt đầu bập bẹ tập nói thường không đồng thời dạy mặt chữ luôn, vì
tùy tiện cho rằng như thế là gánh nặng cho trẻ.
Ông Ishi khi hướng dẫn công tác giảng dạy tại trường mẫu giáo, đã đưa ra
phương án: vừa nhắc nhở trẻ bằng lời nói “hãy rửa tay”, vừa viết lên trên
bảng “hãy rửa tay”, thay cho việc chỉ nhắc nhở như trước đây. Nhờ vậy,
những đứa trẻ nhờ được lưu ấn tượng từ cả tai và mắt nên kết quả cải thiện
hơn gấp 5 – 6 lần so với trước kia.
Tôi nghĩ phương pháp này có thể áp dụng được ngay tại các gia đình. Khi đứa
trẻ bắt đầu học một từ vựng mới, nếu vừa được nghe, vừa được nhìn thấy cha
mẹ viết cho xem, thì sẽ nhớ đúng bản chất của từ đấy, và không sợ sau này bị
nhớ nhầm, nhớ lộn xộn sang các từ khác. Nếu dựa theo logic để phân biệt ra
mà dạy thì rất khó hiểu, nhưng chỉ cần tiếp xúc với nhiều chữ và từ kiểu như
thế một thời gian, thì đến một lúc nào đó trẻ sẽ tự nhiên phân biệt được những