Tuy vậy, Thomas đã trông thấy một lá cờ đỏ phấp phới bay ở gần trụ sở
chính của Việt Minh. Đến được mấy ngày, Thomas hỏi thẳng Hồ Chí Minh
về màu sắc chính trị của ông như thế nào. Lịch sự, dứt khoát, Hồ Chí Minh
trả lời Việt Minh bao gồm rất nhiều đảng phái chính trị. Trong những ngày
đầu Thomas cố gắng tìm hiểu tình hình ở đây, dần dần ông biết và yêu quý
nhiều cán bộ Việt Minh. Chính vì lý do đó, ông gửi tiếp một bức điện về
Côn Minh nói rằng: đây là một nhóm không cộng sản, không bị cộng sản
kiểm soát cũng không phải do cộng sản chỉ huy. Theo ông, “họ chỉ tìm kiếm
tự do và những cải cách để thoát khỏi sự khắc nghiệt của người Pháp”.
Nguyện vọng độc lập của họ là điều không phải bàn cãi. Họ không giương
cao ngọn cờ cộng sản mà chỉ muốn nói lên nguyện vọng chung của toàn thể
nhân dân nước họ.
Từ 26 đến 30/7, theo một toán Việt Minh, Thomas đi trinh sát trong
vùng hy vọng tìm được một chỗ bằng phẳng để những máy bay nhẹ như
kiểu Piper L-5 có thể hạ và cất cánh được. Ông cũng muốn nhân dịp này
quan sát hoạt động của Nhật trong khu vực. Cả hai việc đều đạt mục đích.
Chẳng những ông tìm được chỗ có thể cải tạo thành đường băng mà chỉ cần
lội qua khu vực đó, đi chừng một cây số là đến một đồn tiền tiêu của Nhật.
Cứ mỗi bước đi gặp dân là ông được đón tiếp rất nồng hậu. Ông ghi lại trong
nhật ký của mình: “Chúng tôi được uống cà phê pha rượu, được uống chè
pha mật ong. Chuối, dứa, chanh tươi, trứng gà, vịt, bò lợn, nhiều loại rau,
măng tre, xà lách, một thứ như khoai tây địa phương và ớt”. Ông cũng được
thử thứ nước chấm đặc biệt của người An Nam làm từ cá ướp gọi là nước
mắm, khiến ông có thể được xem như là quân nhân Mỹ đầu tiên được nếm
thử thứ nước chấm “độc hại một cách ngon lành” đó. Ngày 30/7 ông quay
về khá muộn nên ông và những người cùng đi phải đốt đuốc mới thấy đường
mòn về trại.
Về đến nơi ông đã thấy những thành viên còn lại trong nhóm Con Nai
đang đợi. Họ mới nhảy dù xuống hôm trước. Đội trưởng đội tăng cường là
thiếu úy René Defourneaux cũng có mặt. Anh này sinh ở Pháp lấy tên Mỹ là