Thomas và Võ Nguyên Giáp trao đổi với nhau, quyết định ngay sáng
hôm sau bộ đội Việt - Mỹ sẽ lên đường làm nhiệm vụ. Chỉ còn nửa ngày để
chuẩn bị. Những người Mỹ gỡ bạt, dỡ lều, gấp hành lý. Suốt đêm hôm sau
họ bắn pháo sáng và pháo hoa để ăn mừng chiến thắng và dạy cho các bạn
Việt Nam cùng hô “Híp-híp-híp-hu-ra”. Thomas ghi trong nhật ký: “Đêm đó
chúng tôi như một lũ điên dại vì quá sung sướng, không biết đã uống hết bao
nhiêu vò rượu gạo mà nhân dân địa phương ủng hộ. Đây là phút chia tay
không bao giờ quên… Sáng mai chúng tôi sẽ nhổ trại. Đối với chúng tôi
ngày mai là hòa bình, là ngày trở về nhà. Nhưng các bạn Việt Nam thì ngày
mai là ngày lên đường chiến đấu”.
Dù sẵn sàng hay không, Võ Nguyên Giáp cũng nghĩ rằng đây là thời cơ
tiến công. Cuộc chuyển quân quy mô lớn đầu tiên của quân đội mới thành
lập thật sự bắt đầu vào ngày 16/8/1945, chỉ một ngày sau khi nhận được tin
Nhật đầu hàng qua điện đài.
Khoảng 2 giờ 30 phút, Võ Nguyên Giáp chỉ huy đoàn quân rời Tân
Trào lên đường về Thái Nguyên. Cuộc hành quân không mấy dễ dàng vì bộ
đội phải đi qua những con đường mòn dựng đứng trên núi, vượt qua nhiều
thác ghềnh, sông suối, người đi sau vịn vào người đi trước, rón rén bước qua
từng tảng đá mọc rêu trơn hay đầm lầy. Chiều tối, họ dừng chân qua đêm ở
làng Đông Man. Họ đi tiếp ba ngày ba đêm nữa, 17, 18, 19/8 mới đến địa
điểm tập kết. Thomas viết: “Đi đến đâu bộ đội cũng được dân làng hoan
nghênh nhiệt liệt, phất cờ Việt Minh reo hò hai bên đường hoặc tiến sát hàng
quân để nhìn được những vũ khí mới sáng loáng”.
Trong suốt cuộc hành quân Thomas luôn luôn đi bên cạnh Võ Nguyên
Giáp, một con người không hề có dáng điệu của một quân nhân. Suốt năm
1945 và có lẽ đến tận năm 1947, tuy là người chỉ huy quân đội nhưng Võ
Nguyên Giáp thường không mặc quân phục mà mặc bộ quần áo dân sự kiểu
phương Tây màu sáng, đeo cà vạt và mũ phớt màu sẫm. Thomas kể lại:
“Trong các cuộc hành quân qua núi rừng đó, có lẽ tôi là người gần gũi ông
nhất. Có lúc ông kể cho tôi nghe chuyện người vợ trẻ và người chị vợ của