thiểu. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là lãnh đạo người dân nông thôn ở
miền Nam có thái độ chính trị thích hợp. Cán bộ Việt Minh sống bình
thường trong các thôn xóm, cày cấy, gặt lúa trên đồng ruộng, cung cấp gạo
cho thị trường, sửa chữa nâng cao các công trình công cộng, nhà cửa, cung
cấp thuốc men và chăm sóc y tế ở cơ sở. Qua đó họ tranh thủ được sự ủng
hộ vững chắc cho sự nghiệp của mình trong hàng ngũ nông dân, Hồ Chí
Minh cho các đồng chí của mình ở miền Nam những chỉ thị rõ ràng. Trong
các cuộc thảo luận chính trị với dân làng, họ phải nhấn mạnh đấu tranh dân
tộc chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Không một trường hợp nào được
lấy lại ruộng đất của nông dân. Trong mọi chừng mực phải tránh gây thái độ
thù nghịch với những nhà chức trách địa phương, trái lại phải làm việc với
họ và qua họ. Bạo lực chỉ được sử dụng có ý thức. Nếu thấy cần thanh toán
một nhân viên của chính quyền cũ hay người của Chính quyền Sài Gòn cử
về, phải dùng dao găm, nhất thiết không được dùng súng hay lựu đạn vì
những vũ khí đó có thể làm chết những người vô tội ngẫu nhiên có mặt ở
đấy, gây nên mối oán giận trong dân chúng, khiến nông dân quay lưng lại
với cách mạng. Nếu trường hợp đó xảy ra, cán bộ phải bảo đảm rằng đã giải
thích kỹ cho nông dân lý do tại sao họ không thể làm khác hơn là phải giết.
Họ không được tham gia vào các hoạt động quân sự vì điều đó chắc chắn sẽ
dẫn đến thất bại. Hoàn toàn đơn giản là họ chưa đủ mạnh để đương đầu với
quân lính của Ngô Đình Diệm.
Một cách bản năng, Diệm hiểu rõ rằng những người cộng sản nằm
vùng là mối đe dọa nguy hiểm hơn bất kỳ đối thủ nào khác. Theo lời khuyên
của Lansdale, Diệm không gọi họ là Việt Minh mà đặt một tên là Việt Cộng
- Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1955, Diệm phát động một chiến dịch để
loại trừ Việt Cộng và tuyên bố những địch thủ này thậm chí không được coi
như con người nữa. Quân đội của Diệm mở những cuộc hành quân càn quét,
truy lùng bắt bớ, chém giết họ trong những vùng mà họ có cơ sở. Diệm còn
ra lệnh làm uế tạp và đập phá các tượng đài kháng chiến, san bằng các nghĩa
trang - một hành vi dã man xúc phạm tình cảm thiêng liêng của người Việt
Nam đối với người quá cố, phỉ báng tục lệ thờ cúng tổ tiên. Trong chiến dịch