được dân chúng dưới quyền đa số là theo đạo Phật. Họ không chú ý đến nhu
cầu kinh tế và xã hội của người dân vì sợ làm mất lòng Diệm. Tệ hơn nữa là
họ sống như giữa vùng địch, luôn luôn ẩn mình trong các lô cốt có dây thép
gai bao bọc và lính cầm vũ khí canh gác bên ngoài.
Trong những năm đen tối đó, Bộ Chính trị đã không ngừng giúp đỡ cho
phong trào chống Diệm ở miền Nam. Đầu năm 1959, Võ Nguyên Giáp bắt
đầu suy nghĩ về phương tiện gửi người và hàng từ miền Bắc vào miền Nam.
Ngày 19/5, ông ra lệnh cho tướng Võ Bẩm nghiên cứu các phương án. “Bí
mật và an toàn tuyệt đối là khẩu hiệu của chúng tôi”. Võ Bẩm miệt mài làm
việc và chẳng bao lâu mở một con đường mòn khiêm tốn vào Nam. Công
việc bắt đầu vào tháng 5/1959 và những người mở đường mòn ấy được biết
đến với cái tên Đoàn 559.
Đoàn 759 được tổ chức vào tháng 7/1959 được giao nghiên cứu cách
xâm nhập vào miền Nam bằng đường biển. Tháng 9, Võ Nguyên Giáp ra
lệnh thành lập Đoàn 959 nghiên cứu việc tiếp tế cho các lực lượng vũ trang
Pathet Lào. Võ Nguyên Giáp còn phái các đơn vị vũ trang đấu tranh bên
cạnh các lực lượng yêu nước Lào, đảm bảo an ninh cho khu vực mở đường
lập binh trạm của Đoàn 559.
Đặng Nghiêm Bái, một cán bộ cấp cao của Bộ Ngoại giao, nhớ lại:
trong tháng 11 và 12/1959, Bộ Chính trị đã thông qua một nghị quyết quan
trọng. Sau khi đánh giá các trào lưu ở miền Nam, Đảng kết luận đã đến lúc
phải kêu gọi nhân dân nổi dậy lật đổ Ngô Đình Diệm là một tên độc tài bị cô
lập và tàn bạo đang thực hiện cuộc đàn áp dã man đi từ tử hình đến chuồng
cọp.
Võ Nguyên Giáp cung cấp viện trợ nhiều hơn nữa cho phong trào miền
Nam. Ông ra lệnh cho một số cán bộ quân sự đã chiến đấu ở miền Nam và
tập kết ra Bắc năm 1954 phải trở về miền Nam, theo từng tỉnh quê quán của
họ ở miền Nam. Họ mang theo vũ khí do miền Bắc cung cấp hoặc trở về đào
những chỗ cất giấu những vũ khí từ năm 1954 trước khi đi tập kết ra Bắc.