một trận đã thay đổi bản chất của cuộc chiến”. Đúng thế. Mặc dù hỏa lực
của Mỹ và quân đội Sài Gòn đã làm Võ Nguyên Giáp thất bại về chiến thuật,
nhưng cuộc tiến công Tết Mậu Thân đã đưa lại cho ông lần thứ hai trong đời
một chiến thắng lớn. Điện Biên Phủ thất thủ năm 1954 đã buộc Chính phủ
Pháp phải chấm dứt chiến tranh, cuốn gói khỏi Việt Nam. Tương tự như vậy,
cuộc tiến công Tết Mậu Thân đã thuyết phục được càng nhiều người Mỹ
phải tìm cách kết thúc cuộc chiến. Robert O’Neill đã tóm tắt đúng câu hỏi:
“Nếu ông ta (Giáp) đã đặt kế hoạch cho cuộc tiến công để đạt được những
kết quả như thế thì ông quả là con người lỗi lạc thấu hiểu các vấn đề tâm lý
và chính trị của đối phương”.
Võ Nguyên Giáp gặp Madeleine Riffaud, phóng viên báo L’Humanité
- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp - trong những ngày cuối tháng
5 đầu tháng 6 trong tâm trạng sáng khoái cao độ. Một lần nữa ông là thành
viên không phải bàn của nhóm lãnh đạo Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư Quân ủy Trung ương, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Đánh
giá thấp những cố gắng của Mỹ, ông nói: “Westmoreland đã tìm cách gia
tăng sức mạnh của quân Mỹ bằng việc nâng quân số từ khoảng 20.000 người
lên tới trên 500.000 người. Tuy nhiên, Washington vẫn không thể nhìn thấy
cuối đường hầm”. Ông kể ra năm mục tiêu của Lầu Năm Góc: loại trừ mối
đe dọa của Việt Cộng, bình định nông thôn, bảo vệ miền Nam chống ngoại
nhập bằng đường bộ và đường biển, phá hoại miền Bắc bằng các cuộc ném
bom và củng cố chính quyền ngụy ở miền Nam. Nhưng không một mục tiêu
nào hoàn thành. Ông nói: “Chiến trường miền Nam đối với người Mỹ là cái
thùng không đáy”.
Đó là thời gian Võ Nguyên Giáp rất bận rộn với những cuộc phỏng
vấn. Một tuần sau, ông lại nói chuyện với Tổng biên tập báo Algeria El
Moudjahid: “Những trận đánh lẻ tẻ hiện nay giữa lực lượng vũ trang giải
phóng miền Nam Việt Nam chỉ là một trận Điện Biên Phủ kéo dài. Thắng lợi
của chúng tôi là chắc chắn, không ai có thể nghi ngờ được”. Vị khách
Algeria nhắc lại rằng chiến thắng của Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ