Chiếm An Lộc còn làm suy yếu sự ổn định của chính quyền miền Nam.
Trong lúc đó, một sư đoàn khác triển khai lực lượng ở đồng bằng sông Mê
Kông để nắm thóc gạo, chiếm đóng một vùng đất đai bổ sung và kìm chân
ngụy quân để tăng cường cho mặt trận khác.
Từ lâu, Lê Duẩn và cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chỉ huy trưởng
lực lượng ở miền Nam yêu cầu phương án tiến công như vậy. Bây giờ Võ
Nguyên Giáp sẵn sàng nghe theo họ. Việc chuẩn bị giai đoạn ba cho các
cuộc chiến tranh nhân dân sắp hoàn thành. Mặc dù không đồng ý với quan
điểm đó, nhưng ông cho rằng bổn phận người lính là phải phục tùng, chuẩn
bị cuộc chiến đấu và đặt vào đó mọi thẩm quyền của mình. Ông dựa vào sức
mạnh hợp đồng giữa bộ binh, xe bọc thép và pháo binh, được trang bị hiện
đại. Nhược điểm duy nhất là thiếu yểm trợ của máy bay đối với lực lượng
chiến đấu trên mặt đất. Nếu cuộc tiến công đều thành công trên cả ba hướng,
chính quyền và quân đội Nam Việt Nam sẽ sụp đổ. Thậm chí chỉ một mũi
thành công thì hậu quả đối với chính quyền miền Nam sẽ nghiêm trọng và
làm nản lòng dân chúng, lung lay bộ máy chính quyền. Võ Nguyên Giáp ấn
định ngày nổ súng bắt đầu chiến dịch là trưa ngày 30/3/1972. Theo lịch
Công giáo, đó là ngày thứ Sáu trước Lễ Phục sinh.
Trước khi chiến dịch mở màn, Hà Nội đẩy mạnh vận động tuyển quân
với quy mô chưa từng có, khắc phục thiếu hụt quân số. Lần đầu tiên các con
em đảng viên, sinh viên đại học, ngay cả những người đã được chọn đi du
học ở các nước Đông Âu, các nhà giáo, các thợ bậc cao và các thanh niên
con em liệt sĩ hay thương binh đến bây giờ đều xin nhập ngũ, sẵn sàng chiến
đấu ở các chiến trường xa.
Đến ngày D, trọng pháo đặt ở bờ bắc giới tuyến đều được bố trí tạo
thành một lưới lửa khổng lồ đánh vào các căn cứ và các đơn vị lính Cộng
hòa dọc theo bờ nam giới tuyến. Khi tiếng nổ long trời lở đất của trái pháo
bắt đầu, các đơn vị bộ binh của Võ Nguyên Giáp nhất tề tiến quân, 30.000
lính và 200 xe tăng Liên Xô. Ngày 1/4, binh lính Cộng hòa rút lui có trật tự
nhưng hôm sau do ảnh hưởng của dân chúng hoảng hốt di tản vượt qua