lạc lõng giữa cuộc chiến tranh tàn khốc. Lejeune nhìn cô gái, mắt đẫm lệ,
anh đã rất lo lắng sợ hãi. Họ nói với nhau bằng tiếng Đức, giọng nói thì thào
đủ cho hai người nghe. Henri lùi lại sau một chút, mồ hôi túa ra đầm đìa hai
bên thái dương, hai má như có lửa đốt, mắt nhìn không chớp. Người anh
nóng rực, rồi lại lạnh toát. Henri đứng không dám cựa quậy, ngây người
chiêm ngưỡng Anna Krauss; gương mặt hình ô van kiểu Ý của nàng rất
giống một bức họa màu phấn của Rosalbe Carriera mà mới đây anh đã được
chiêm ngưỡng tại nhà một người sưu tập tranh ở Hambourg; anh đánh giá rất
cao bức tranh, nhưng ở đây sự mịn màng cửa làn da cô gái lúc này là hiện
thực, dù ánh sáng mặt trời luồn qua cửa kính đã làm dịu bớt sự mịn màng
đó.
Một lúc sau, Lejeune quay lại phía Henri, dịch cho anh ta nghe cuộc đối
thoại. Dù Henri đã hai năm ở Brunswick, nhưng ở đó mọi người đều nói
tiếng Pháp với anh, còn với những người hầu, Henri chỉ cần ra hiệu khi yêu
cầu một việc gì đó và không cần phải nghe trả lời. Henri không làm sao
quen được với thứ ngôn ngữ trúc trắc khó hiểu đó.
– Tớ nói với nàng rằng thứ Sáu này tớ sẽ đến chỗ những người làm cầu
trên sông Danube, rồi sau đó đến làm việc ở Bộ Tham mưu, để lập đồn trên
đảo Lobau.
– Ừ, Hènri đáp.
– Tớ cũng nói với nàng là trong khi tớ đi vắng, cần phải có ai đó thật tin
cậy để bảo vệ ngôi nhà đề phòng đám du đãng mà quân đội ta mang theo có
khả năng quay lại…
– Bọn du đãng, à… ừ.
– Tớ nói với nàng cậu sẽ đến ở đây bởi vì cậu, cậu ở lại Vienne mà.
– Ơ
– Cậu không đồng ý à, Henri?
– Đồng ý.
– Không thể để cô ấy ở một mình ở thành phố bị chiếm đóng nhốn nháo
này!