Sau bữa ăn trưa, tham mưu trưởng kể cho tôi nghe về sư đoàn này. Sư
đoàn gồm các trung đoàn bộ binh 1, 197 và 206. Cả ba trung đoàn đều đóng
ở vùng Pê-rê-mư-slơ. Để giáng trả cuộc tiến công có thể xảy ra của các đơn
vị phát-xít Đức, theo một tín hiệu đặc biệt, sư đoàn phải chiếm lĩnh các vị
trí ở khu vực cố thủ Pê-rê-mư-slơ đang được tiếp tục xây dựng, thuộc
quyền chỉ huy của đại tá Đ. I. Ma-xli-úc.
Đại tá Gô-rô-khốp trình bày cụ thể với tôi kế hoạch báo động của sư
đoàn. Mọi biện pháp đều được cân nhắc kỹ lưỡng, các văn kiện được soạn
thảo rõ ràng, đâu ra đấy. Tôi nhận thấy có bàn tay của một cán bộ tham
mưu giàu kinh nghiệm và thành thạo.
Tham mưu trưởng giới thiệu tỉ mỉ về ba đại tá trung đoàn trưởng bộ binh.
Theo lời đồng chí, đó là những cán bộ có khả năng chỉ huy sư đoàn và điều
đó quyết định phần lớn thành tích của binh đoàn. Với những trung đoàn
trưởng như thế, bất kỳ sư đoàn trưởng nào cũng thấy yên tâm vì mình có
chỗ dựa vững như bàn thạch.
Mãi khuya, chúng tôi mời xong việc ở bộ tham mưu. Đại tá Gô-rô-khốp
định tiễn chúng tôi đến chỗ nghỉ đêm, nhưng Đốp-bun bỗng xuất hiện như
từ dưới đất chui lên.
– Thưa đồng chí đại tá, có tôi. Tôi xin đưa đồng chí đi.
– Thế cậu đã biết đi đâu chưa? – tôi ngạc nhiên.
– Tôi đã trinh sát rồi. Chính tôi đã đến đó và xem xét.
Sau khi cảm ơn đại tá Gô-rô-khốp, tôi đi theo Đốp-bun.
Hôm sau, tôi và các sĩ quan cùng đến trung đoàn 1 của sư đoàn. Chỉ huy
trung đoàn là đại tá Cô-rốt-cốp, một người trông còn trẻ, chững chạc. Đồng
chí kể tỉ mỉ cho tôi tình hình trung đoàn, giới thiệu về cán bộ. Chỉ huy các
phân đội, kể cả các tiểu đoàn trưởng, phần lớn đều còn trẻ cả về tuổi đời lẫn
kinh nghiệm công tác.
Chúng tôi đi một vòng khắp khu vực doanh trại. Nó được xây dựng từ
thời đế quốc Áo – Hung cát cứ, nhưng vẫn còn ngăn nắp. Trong nhà, ngoài
sân đều rất sạch, mặc dù chỗ ăn ở chật chội: các phòng đều kê giường hai