Trên đường phủ đầy xác lính và những chiếc xe tăng cháy rực của mình,
Gu-đê-ri-an tiến đến Rôm-nư ở sâu sau lưng phương diện quân chúng tôi.
Không còn ai để chặn đoàn xe bọc thép của địch nữa.
Cuối ngày 10 tháng Chín, những binh đội tiền tiêu thuộc sư đoàn xe tăng
3 Đức của tướng Mô-đen đã hội quân được với lính đổ bộ đường không đổ
bộ vào Rôm-nư. Chính diện của tập đoàn quân 40 của ta bị cắt làm đôi:
quân đoàn đổ bộ đường không 2 của tập đoàn quân rút lui về dải của tập
đoàn quân 21 kế bên, những lực lượng còn lại vừa cố thủ Cô-nô-tốp vừa
kéo chính diện đã bị chọc thủng lui về phía Nam.
Dù xe tăng địch có bất ngờ đột nhập Rôm-nư, nhưng các phân đội nhỏ
thuộc các đơn vị chuyên môn kỹ thuật và các cơ quan hậu cần ở thành phố
vẫn không chịu hạ vũ khí.
Họ đã bố trí phòng ngự vòng tròn bằng những ổ đề kháng riêng lẻ và
chiến đấu đến cùng. Thậm chí Gu-đê-ri-an cũng buộc phải công nhận sự
thật này. Hắn viết rằng khi tiến vào thành phố mà sư đoàn 3 của hắn vừa
chiếm được thì hắn chỉ có thể đi lại bằng xe bọc thép.
Tôi và các đồng chí có mặt ở tập đoàn quân 38 trong những ngày ấy rất ít
biết về việc các sư đoàn của Gu-đê-ri-an đã lọt sâu vào sau lưng phương
diện quân chúng tôi. Ngày mà xe tăng của Gu-đê-ri-an tiến mạnh từ Cô-nô-
tốp tới Rôm-nư, thì ở phía Nam, nơi chúng tôi có mặt lúc đó, bộ đội cụm
xung kích của tập đoàn quân 38, sau khi được không quân và pháo binh bắn
dọn đường, đã bắt đầu tiến công từ sáng. Tiếc rằng chúng tôi không đủ máy
bay và pháo binh, nên không dập tắt được hệ thống hỏa lực của địch.
Những sư đoàn tiến công vấp phải hỏa lực dày đặc và bị địch phản kích
quyết liệt, nhưng chúng vẫn không ngăn được bộ đội ta. Anh em tiếp tục
tiến công. Chúng tôi vui mừng trước những thành tích của quân đoàn kỵ
binh 5 của tướng Ph. V. Cam-cốp: tiến công ở sườn trái, tuy chậm nhưng
kiên trì, quân đoàn đã đẩy lùi địch về sông Đni-ép-rơ. Những binh đội
thuộc sư đoàn kỵ binh 34 của đại tá A. A. Grê-tsơ-cô thu được những kết
quả lớn nhất trong ngày hôm đó.