triệu dặm về hướng Mặt trời. Đó chính là hành tinh ấm áp của chúng ta, cây
cối tươi tốt, nước xanh, bầu khí quyển nhiều mây hứa hẹn màu mỡ, và
thoáng hiện qua các làn mây trôi dạt là những dải đất rộng đông đúc dân cư
cùng những đại dương nhộn nhịp tàu bè.
Và đối với họ, loài người chúng ta, sinh vật cư ngụ trên quả đất này, ắt
hẳn ít nhất cũng xa lạ và thấp hèn như loài khỉ vượn đối với chúng ta. Trí
tuệ loài người đã thừa nhận rằng cuộc sống là đấu tranh không ngừng để
sinh tồn, và hình như đó cũng là niềm tin của các bộ óc trên Hỏa tinh. Hành
tinh của họ đã quá nguội lạnh trong khi thế giới này vẫn đông đúc sự sống,
nhưng chỉ đông đúc cái loài thú mà họ coi là thấp kém. Thật vậy, đem chiến
tranh về phía Mặt trời là lối thoát duy nhất của họ hầu tránh sự diệt vong
đang bò dần về phía họ từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Và trước khi khắt khe phê phán họ, chúng ta phải nhớ rằng chính
giống loài mình đã tàn nhẫn tiêu diệt hoàn toàn không chỉ các loài động vật,
chẳng hạn như chim cưu và bò bison nay đã tuyệt chủng, mà giết cả các
chủng tộc thua kém mình. Dân đảo Tasmania, tuy cũng là người, đã bị các
di dân người Âu xóa bỏ hoàn toàn trong cuộc chiến tranh diệt chủng kéo
dài năm chục năm. Liệu chúng ta có là tông đồ rao giảng lòng nhân ái để
mà oán trách nếu người Hỏa tinh gây chiến cũng với tinh thần như thế?
Người Hỏa tinh hình như đã tính toán cuộc đột kích của họ một cách tỉ
mỉ đáng ngạc nhiên - hiểu biết về toán học của họ hiển nhiên vượt xa chúng
ta - và họ đã chuẩn bị trong sự đồng tâm nhất trí hầu như tuyệt đối. Nếu có
thiết bị tốt, lẽ ra trong thế kỷ mười chín chúng ta đã có thể thấy tình hình
ngày càng đáng ngại từ lâu. Những người như Schiaparelli đã theo dõi hành
tinh đỏ - nhân thể nói luôn rằng thật lạ, từ bao thế kỷ Hỏa tinh đã bị coi là
hành tinh của chiến tranh - thế nhưng họ không giải thích được những biến
động bất thường của những vết đen bề mặt họ đã ghi rất rõ trên bản đồ.
Suốt thời gian đó người Hỏa tinh chắc hẳn đang chuẩn bị.
Khi Trái đất nằm trong vị trí trực diện
với Hỏa tinh vào năm 1894,
trước tiên là Đài thiên văn Lick thấy một tia lửa lớn trên mặt sáng của Hỏa