thập trên vòng tròn trắng, và một chiếc xe buýt cũ trong số nhiều xe khác.
Người đông, phần lớn đã kịp diện bộ y phục đi lễ đẹp nhất của mình. Binh
lính khó lòng nói cho họ hiểu tình thế của họ nghiêm trọng đến dường nào.
Chúng tôi thấy một ông già quắt queo khệ nệ ôm cái rương đồ sộ và vô số
chậu hoa lan đang giận dữ khiển trách anh hạ sĩ vì anh bỏ mấy thứ đó lại.
Tôi dừng lại nắm tay ông ta.
Tôi vừa chỉ ngọn thông che khuất người Hỏa tinh vừa nói: “Ông có
biết đằng kia có cái gì không?”
Ông ta quay lại nói: “Hả? Nói để anh biết mấy thứ này quý lắm đấy.”
Tôi hét: “Thần chết! Thần chết đang tới! Thần chết!” rồi vội vàng đi
theo anh lính pháo binh, bỏ ông lại để ông suy nghĩ, nếu còn nghĩ được. Tới
góc đường tôi nhìn lại. Anh lính đã bỏ ông ta, và ông vẫn đang đứng nhìn
mông lung lên các ngọn cây bên cạnh cái rương của ông, trên nắp rương là
các chậu lan.
Không ai ở Weybridge có thể nói cho chúng tôi biết sở chỉ huy đóng ở
đâu. Khắp nơi đều rối loạn, tôi chưa từng thấy ở bất kỳ thị trấn nào như thế
cả. Xe bò, xe ngựa khắp nơi, đủ loại linh tinh lừa ngựa và phương tiện vận
chuyển đáng ngạc nhiên nhất. Những cư dân đáng kính của nơi này, đàn
ông mặc y phục đánh gôn và y phục chèo thuyền, đàn bà thì chưng diện,
đang gói ghém, đám vô công rồi nghề ở bờ sông hăng hái phụ giúp, bọn trẻ
con phấn chấn, phần lớn đều rất thích sự thay đổi lạ lùng trong ngày Chủ
nhật này. Giữa cảnh ấy, vị mục sư đáng kính vẫn rất can trường cử hành
buổi lễ sớm, chuông kêu inh ỏi át cảnh ồn ào náo nhiệt.
Tôi và anh lính pháo binh ngồi trên thềm bồn nước uống, dọn bữa ăn
rất tạm bợ bằng những món chúng tôi đã mang theo. Lính ở đây không còn
kỵ binh nữa, mà là vệ binh hoàng gia mặc đồng phục trắng, họ đang khuyến
cáo dân chúng đi ngay hoặc lánh vào tầng hầm ngay khi súng bắt đầu nổ.
Băng qua cầu xe lửa, chúng tôi thấy một đám người càng lúc càng đông tụ
tập bên trong và chung quanh cửa ga, và thềm ga chật cứng rương thùng
chất đống. Tôi nhớ là do người ta đã ngừng các chuyến xe thường để lấy