chuyển. Và chúng tôi nhìn thấy gì? Chúng tôi thấy một mảng băng lớn trên
đó là hai hay ba tên Đức và một người lính Nga. Họ chết như vậy đấy, bám
chặt vào nhau. Băng đã tóm lấy họ, mảnh băng vẫn còn đẫm máu...Cả sông
Volga đẫm máu..."
Bà đột ngột dừng lại giữa một tiếng thở dài và bảo tôi:
- Tôi không chịu được nữa... Cho tôi thở một chút...
- Nghe chuyện Valia, tôi nhớ lại Leningrad suốt thời bị bao vây, bà
Alexandra Fiodorovna Zentchenko nãy giờ vẫn im lặng, bắt đầu lên tiếng.
Riêng có một chuyện đã khiến tất cả chúng tôi bị chắn động: Người ta kể
rằng có một người phụ nữ đã đứng tuổi ngày nào cũng mở cửa sổ để hắt
nước bằng một cái vò ra đường và mỗi lần lại hắt nước ra xa hơn đôi chút.
Chúng tôi nghĩ bà ấy bị điên: chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp như vậy
trong thời bị bao vây. Chúng tôi bèn tìm đến nhà bà xem có chuyện gì.
Nhưng hãy nghe bà đã trả lời chúng tôi thế nào: "Nếu có lúc bọn Đức lọt
vào thành phố và mò đến đường phố của tôi, tôi sẽ cho chúng nó bỏng nước
sôi. Tôi già rồi, không làm được gì, nhưng ít ra tôi cũng có thể cho chúng
nó tắm nước sôi." Cho nên bà tập. Đấy là một người phụ nữ rất có học
thức... Tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt bà.
"Bà đã chọn cách chiến đấu bà thấy mình còn đủ sức. Phải hình dung lại
cho đúng lúc ấy: kẻ thù đã đến rất gần, các cuộc chiến đấu đã diễn ra ở
cổng Narva, các xưởng của nhà máy Kirov đã nằm trong tầm bắn của
địch... Mỗi người đều nghĩ mình có thể làm gì để bảo vệ thành phố. Chết
thì quá đơn giản, còn phải hành động. Hàng ngàn người nghĩ theo cách đó.
Tôi đã chứng kiến...
"Tôi từ chiến tranh trở về tàn tật, Valentina Pavlovna tiếp tục câu chuyện
của bà. Tôi bị một mảnh đạn đại bác găm vào lưng, vết thương không quá
trầm trọng, nhưng tôi bị văng đi khá xa, vào một đống tuyết. Có điều là đã
nhiều ngày tôi không hong khô được đôi valenki của tôi, tôi cũng không
hiểu vì sao: hoặc vì thiếu củi, hoặc chưa đến lượt tôi hong, vì lò bếp nhỏ
mà chúng tôi ngồi đông chung quanh. Nên khi người ta tìm được tôi, thì