Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn
sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi. Tâm
thần.
Những người bạn đàn ông của tôi (khác những người bạn đàn bà của tôi)
sửng sốt trước một logic “đàn bà” đến thế. Và tôi lại nghe cái lý lẽ “nam
giới” này: “Vì cô không tham gia chiến tranh”. Nhưng có thể, đúng ra, như
thế là tốt hơn. Tôi không biết đến sự chi phối của hận thù, tôi giữ được một
cách nhìn bình thường. Một cách nhìn “không hiếu chiến”.
Cuộc chiến tranh của những người phụ nữ có ngôn ngữ riêng của nó.
Đàn ông náu mình đằng sau các sự kiện, chiến tranh thu hút họ, cũng như
hành động và sự đối kháng tư tưởng, trong khi phụ nữ cảm nhận chiến
tranh qua các xúc cảm. Dẫu sao tôi vẫn lặp lại: đấy là một thế giới khác,
khác với thế giới của đàn ông. Với những mùi của nó, những sắc màu của
nó và một môi trường đầy tình tiết: ”Họ phát cho chúng tôi những cái túi,
chúng tôi cắt thành váy”, “Ở phòng tuyển quân, tôi mặc váy đi vào cửa này,
trở ra cửa kia mặc quần và áo varơi; người ta cắt bím tóc của tôi, tôi chỉ còn
mỗi cái chỏm trên đầu- Hơn một lần, người ta đã cảnh báo tôi (nhất là các
nhà văn nam): “Các bà sẽ sáng chế cho cô khối chuyện cổ tích. Họ sẽ tha
hồ mà bịa.” Nhưng có thể bịa những chuyện như thế không? Sáng tác hoàn
toàn ư? Nếu có thể họ đã sử dụng một hình mẫu, thì cái hình mẫu ấy ắt phải
có tên là cuộc sống, chỉ có cuộc sống mới có được một trí tưởng tượng như
thế.
Nhưng dù là đề cập đến chủ đề nào thì những người phụ nữ vẫn luôn
đinh ninh một ý tưởng: chiến tranh trước hết là một cuộc giết người, sau đó
là một lao động mệt nhoài. Rồi cuối cùng thì đơn giản là cuộc đời thường:
người ta hát, người ta phải lòng nhau, người ta đặt những lô cuộn tóc.
Nhưng nhất là, họ cảm nhận giết người là điều không thể tha thứ, bởi vì
người phụ nữ ban sự sống. Biếu tặng sự sống.
Đàn ông... Họ khó chịu khi phải để phụ nữ đi vào thế giới của họ, lãnh
địa của họ...