một hòn đảo không biết... Đất nước chúng ta rất rộng lớn, đúng vậy, nhưng
trong lòng của nó tồn tại một đất nước khác, ở đấy sống những con người
được phú một ký ức riêng của họ, những giá trị và thước đo, những nỗi sợ
và những giấc mơ riêng của họ, không phải bao giờ cũng giống với những
thứ ấy của chúng ta. Thông thường, họ lẫn mất giữa những người khác,
nhưng mỗi năm một ngày, tất cả họ tụ hội cùng nhau, để nấp mình, dù chỉ
thoáng chốc, trong cái thời là của họ. Và cái thời đó, là các ký ức của họ.
Ở tầng bảy, trong phòng 52, tập họp toàn bộ bệnh viện số 5257.
Alexandra Ivanova Zaltseva, đại úy, bác sĩ quân đội, ngồi ở bàn chủ tọa. Bà
giới thiệu tôi với mọi người.
Tôi ghi nhận: Galina Ivanovna Sazonova, bác sĩ phẫu thuật, Elisaveta
Mikhailovna Eisenstein, bác sĩ, Valentina Vassilievna Loukina, y tá phẫu
thuật, Anna Ignatievna Gorelik, y tá trưởng phòng mổ, và các y tá Nadejda
Fiodorovna Potoujnïa, Klavdia Prokhorovna Borodoulina, Elena Pavlovna
Iakovleva, Anguelina Nikolaïevna Timoteïeva, Sofia Kamaldinovna
Motrenko, Tamara Dmitrievna Morozova, Sofia Filimonovna Semeniouk,
Larissa Tikhonovna Deikoun.
VỀ NHỮNG CON BÚP BÊ VÀ NHỮNG KHẨU SÚNG
“Nếu ta nhìn chiến tranh với con mắt của phụ nữ chúng ta... những người
phụ nữ bình thường... thì nó kinh tởm hơn tất cả những gì ta tưởng tượng.
Chính vì thế người ta không bao giờ đặt câu hỏi cho chúng ta...
“Các cô có nhớ không, các cô gái: chúng ta đi trên những toa tàu chở súc
vật và những người lính cười cách chúng ta cầm khẩu súng. Chúng ta
không cầm theo cách người ta cầm một vũ khí, mà như thế này này. Hôm
nay, thậm chí tôi không thể chỉ cho cô cách chúng tôi cầm ngày ấy. Chúng
tôi cầm như cầm những con búp bê...”
“Người ta khóc, người ta kêu: “Chiến tranh rồi!” Còn tôi, tôi nghĩ: Mà
chiến tranh nào nhỉ, ngày mai chúng tôi có kỳ thi vào đại học? Một kỳ thi,