cáng thương ở một đại đội xạ thủ-khinh binh:
“Mẹ tôi... Bà muốn tôi đi cùng bà khi chúng tôi tản cư, bà biết tôi nóng
lòng muốn ra trận, nên bà cột tôi vào chiếc xe kéo chở hành lý của chúng
tôi. Nhưng tôi lén cởi ra và chuồn luôn... Sợi dây còn quấn ở cổ tay tôi... Là
bùa của mẹ.
Quanh tôi, mọi người trốn, chạy. Tôi sẽ ra sao? Dọc đường, tôi gặp một
toán con gái. Một cô trong số họ nói với tôi: “Mẹ tớ ở cách đây không xa,
đến nhà tớ đi.” Chúng tôi đến nơi giữa đêm, chúng tôi đập cửa. Mẹ cô ấy
mở cửa, và nhìn chúng tôi - chúng tôi bẩn thỉu, rách rưới - bà ra lệnh cho
chúng tôi: “Đứng trên ngưỡng cửa đấy đã!” Chúng tôi vâng lời. Bà mang
tới những xô to tướng đầy nước, bắt chúng tôi cởi hết quần áo. Chúng tôi
gội đầu bằng tro (vì không có xà phòng), rồi leo lên lò sưởi
, tôi lập tức
rơi vào một giấc ngủ mê man. Sáng hôm sau, bà mẹ của cô gái ấy nấu cho
chúng tôi một nồi súp su hào, và làm bánh mì bằng cám trộn với khoai tây.
Bánh mì có vẻ ngon và súp thì thú vị!
Tôi ở lại đấy bốn ngày để bà hồi phục cho chúng tôi. Bà cho chúng tôi ăn
từng ít một, sợ chúng tôi chết vì thương thực. Ngày thứ năm, bà nói với
chúng tôi: “Đi đi!” Trước đó, một bà láng giềng đã sang thăm bà, trong khi
chúng tôi đang ở trên nóc lò sưởi. Bà mẹ ra hiệu cho chúng tôi im lặng. Bà
không cho ai hay con gái bà mà mọi người biết là đã ra trận, đang ở đấy, tại
nhà. Cô ấy là con gái độc nhất của bà, tuy nhiên bà không hề tỏ ra thương
xót cô, bà không thể tha thứ cho nỗi hổ thẹn cô đã gieo lên gia đình vì bỏ
về.
Bà đánh thức chúng tôi dậy vào nửa đêm, cho mỗi đứa một cái ba lô con
chứa thức ăn, ôm hôn từng đứa và nói: ”Đi đi!”
- Thậm chí bà không tìm cách giữ con bà lại sao?
- Không, bà ôm hôn cô ấy và nói: “Bố mày đã ra trận, mày cũng phải đi
mà đánh nhau.”
Trên đường đi cô ấy mới kể cho tôi cô là y tá và cô đã bị bao vây.