Tôi vất vưởng lâu từ nơi này qua nơi khác trước khi đến Tambov và tìm
được một chỗ làm ở bệnh viện. Ở đấy rất tốt, sau những ngày chết đói, tôi
lên cân đến mức hơi béo tròn ra. Khi tôi lên mười sáu tuổi, người ta báo
cho tôi từ nay tôi có thể cho máu, cũng như tất cả các y tá và bác sĩ. Vậy là
tôi bắt đầu cho máu hằng tháng: bệnh viện luôn cần hàng trăm lít. Tôi cho
liền một lần 500 cc, nửa lít một tháng hai lần. Tôi được nhận khẩu phần của
người cho máu: một kilô đường, một kilô mì hạt, một kilô xúc xích, để hồi
sức.
Tôi kết bạn với một người hộ lý mà chúng tôi gọi là thím Nioura. Bà có
bảy đứa con, và chồng bà đã chết hồi đầu chiến tranh. Cậu con trai đầu của
bà, mười sáu tuổi, đi tìm thực phẩm và đánh mất phiếu phân phối. Tôi cho
họ khẩu phần của người hiến máu. Một hôm, bác sĩ bảo tôi: “Ta sẽ ghi địa
chỉ của cô vào, như vậy có thể người được truyền máu của cô sẽ cho ta biết
họ là ai.” Chúng tôi ghi địa chỉ của tôi lên một cái nhãn buộc vào lọ.
Và thế là ít lâu sau, nhiều nhất là hai tháng, lúc tôi đã đi ngủ sau phiên
trực, bỗng có người đánh thức:
“Dậy đi! Dậy đi, anh trai cô đến đấy!
- Anh trai nào? Tôi có anh trai đâu.”
Khu nội trú của chúng tôi ở tầng trên cùng của bệnh viện; tôi đi xuống và
tôi thấy một chàng trung úy trẻ và đẹp trai đang chờ bên dưới. Tôi hỏi:
“Ai hỏi Omeltchenko ở đây?”
Anh đáp:
“Tôi.” Và anh đưa ra mẩu giấy mà bác sĩ và tôi đã viết. “Đấy... tôi là anh
trai cùng dòng máu của cô..
Anh mang đến cho tôi hai quả táo và một túi kẹo, hồi ấy không thể tìm ra
được những thứ đó. Trời! Những viên kẹo ấy, ngon vô cùng! Tôi đến gặp
ông giám đốc. “Anh trai tôi đến!” Ông cho tôi một kỳ nghỉ phép. Anh mời
tôi: “Ta cùng đi nhà hát nhé.” Tôi là đứa chưa bao giờ đặt chân vào nhà hát,