- Khi kết thúc chiến tranh, tôi vừa hai mươi. Tất nhiên, tôi không hề
muốn lấy chồng.
- Vì sao?
- Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, rất nhiều tuổi hơn các cô gái cùng tuổi và
thậm chí đã già. Các bạn gái của tôi khiêu vũ, đùa vui; tôi thì không thể.
Tôi nhìn cuộc đời bằng những con mắt khác. Bên ngoài không nhìn thấy
điều ấy, khối người trai trẻ tán tôi. Những cậu bé. Họ không nhìn thấy tâm
hồn tôi, không nhìn thấy những gì diễn ra bên trong tôi. Cô xem, tôi chỉ kể
với cô có mỗi một ngày đánh nhau ở Svevsk... Chỉ một ngày... Thật nặng
nhọc, thật dữ dội, đến nỗi suốt đêm, tai tôi rỉ ra máu. Sáng ra, tôi thức dậy
như vừa qua một trận ốm nặng. Chiếc gối của tôi đầm đìa máu.
- Cuối cùng bà đã lấy chồng?
- Vâng. Tôi có năm đứa con trai, tôi đã nuôi chúng khôn lớn. Tôi ngạc
nhiên nhất là sau bao nhiêu hãi hùng và kinh khiếp như vậy, mà tôi có thể
sinh ra những đứa con xinh đẹp như vậy. Và tôi đã là một người mẹ tốt,
cũng là một người bà tốt.
Ngày nay tôi nhớ lại tất cả những cái đó và tôi tưởng đấy không phải là
tôi, mà là một cô gái khác...”
Tôi trở về nhà, mang theo bốn băng ghi âm (hai ngày trò chuyện) trên đó
đã ghi “thêm một cuộc chiến tranh”. Tôi bị giằng xé giữa nhiều xúc cảm:
xáo trộn và kinh hãi, bối rối và ngưỡng mộ, tò mò và hỗn loạn, về nhà, tôi
đã kể cho các bạn tôi một số đoạn. Mọi người đều có cùng một phản ứng:
“Thật quá khủng khiếp. Một người anh hùng như thế thì đáng sợ quá!”
Hoặc: “Không ai tin được đâu. Và người ta sẽ không muốn xuất bản đâu.”
Nhưng mọi người đều rưng rưng nước mắt, như tôi, và ai cũng trở nên trầm
tư. Chính những giọt nước mắt ấy giữ cho tôi, giúp tôi không hoảng sợ,
không rơi vào cám dỗ không kể lại trọn vẹn cuộc đời này, rút bớt đi những
gì có thể gây sợ hoặc bị hiểu nhầm. Sửa chữa hay viết lại câu chuyện. Mà
làm sao viết lại, với loại mực nào, khi nó đã được khắc lên bằng máu? Cái
này ít giống một câu chuyện hơn tất cả mọi thứ khác: đây là một nỗi đau