- Bà ra trận năm bao nhiêu tuổi?
- Tôi học năm thứ hai, nhưng chưa hết năm. Tôi trốn đi nhập ngũ. Tất cả
các cô gái trên tàu đều cùng tuổi tôi.
- Công việc của bà là gì?
- Chăm sóc thương binh, cho họ ăn và uống. Đưa bô cho họ. Tất cả
những việc đó, chúng tôi làm được. Tôi làm cùng kíp với một cô gái nhiều
tuổi hơn một chút; lúc đầu cô ấy giúp tôi: “Nếu ai cần ống đái thì gọi tôi.”
Chúng tôi chuyển các thương binh nặng: một số mất một cánh tay, số khác
mất một chân. Ngày đầu tiên tôi gọi cô ấy, nhưng về sau... dẫu sao cô cũng
không thể ở với tôi suốt ngày đêm. Tôi phục vụ một mình. Và một thương
binh gọi tôi thế này: “Y tá, cho tôi cái vịt đái!”
Tôi đưa cho anh, nhưng anh không cầm. Lúc đó tôi mới nhận ra anh
không còn tay. Một ý nghĩ đã thoáng qua trong đầu tôi, cuối cùng ít nhiều
tôi hiểu việc phải làm, nhưng trong một lúc tôi đứng sững đó, không biết
phản ứng thế nào. Cô hiểu không? Tôi cần giúp anh ấy... Có điều tôi không
biết nó ra sao, tôi chưa bao giờ thấy. Ngay ở lớp huấn luyện, họ không
dạy...”
Svetlana Nikolaïevna Lioubitch,
hộ lý
“Tôi chưa bao giờ bắn một phát súng... Tôi nấu cháo tấm cho lính.
Người ta cho tôi một huy chương vì việc đó. Tôi không bao giờ nghĩ lại
chuyện ấy: tôi có thật sự tham gia chiến tranh không? Tôi nấu cháo tấm,
món cháo của lính. Tôi bê những cái chảo, những nồi nấu to tướng. Các thứ
đó nặng hàng tấn... Ông chỉ huy, tôi nhớ, ông nổi xung: “Tôi phải biến
chúng thành những cái chảo, những cái nồi của cô ấy... Sau chiến tranh làm
sao các cô còn sinh ra được bọn trẻ con?” Một hôm, ông lấy tất cả những
đồ đựng của tôi và vãi đạn vào đó. Chúng tôi phải đi tìm những cái khác
nhỏ hơn trong làng.