gái ra đi, chúng tôi có một món quà. Đấy là tất cả những gì tôi có thể làm
được cho các cô.
Mọi người đều muốn về nhà, nhưng đồng thời lại sợ. Bởi không ai biết
điều gì đang chờ đợi mình.”
Valentina Kouzminitchna Bratchikova-Borchtchevskaïa,
trung úy, cán sự chính trị
một đơn vị vệ sinh chiến trường
“Các đoàn quân Đức bị chặn lại trước Voronev... Chúng phải mất rất
nhiều thời gian mới chiếm được thành phố. Thành phố bị ném bom liên tục.
Máy bay bay qua trên làng Moskva của chúng tôi. Tôi chưa thấy quân địch,
chỉ thấy máy bay. Nhưng đã rất nhanh chóng biết thế nào là chiến tranh...
Một hôm bệnh viện chúng tôi được báo một đoàn tàu bị bom ngay ven
Voronej. Chúng tôi đã đến tận nơi và đã nhìn thấy... Chúng tôi thấy gì?
Toàn thịt bị băm... Tôi không thể nói cách nào... Ôi ôi ôi! Ông giáo sư của
chúng tôi là người đầu tiên trấn tĩnh lại. Ông ra lệnh mạnh mẽ: “Cáng
thương!” Tôi là người trẻ hơn cả, tôi vừa đúng mười sáu tuổi, và mọi người
đều để mắt đến tôi, sợ tôi ngất đi. Chúng tôi đi dọc đường ray, xem kỹ
những gì còn lại của các toa. Chẳng có ai để mà đặt lên cáng: các toa còn
cháy, không nghe tiếng rên nào, cũng không có tiếng kêu. Không ai còn
sống. Tôi ghì bàn tay trên tim, mắt tôi nhắm lại trước cảnh tượng thảm
khốc. Trở về bệnh viện, tất cả chúng tôi ngã vật xuống, người gục đầu trên
bàn, kẻ đổ người trên ghế và chúng tôi cứ thế mà ngủ.
Tôi làm xong việc và trở về nhà. Tôi về đến nhà nước mắt ròng ròng,
nằm lăn ra giường, nhưng vừa nhắm mắt, lại thấy lại tất cả... Mẹ tôi đi làm
về, rồi bác Mitia. Tôi nghe tiếng mẹ:
“Tôi chẳng biết rồi Lena sẽ ra sao, Bác có thấy mặt mày nó thay đổi thế
nào từ khi nó làm việc ở bệnh viện không? Nó chẳng còn giống trước, nó
chẳng nói một tiếng, chẳng trò chuyện với ai, khi ngủ thì la hét. Và nụ cười