Sofia Adamovna Kountsevitch,
thượng sĩ nhất, cáng thương
ở một đại đội xạ thủ-khinh binh
VỀ GIỌNG NỮ CAO CỦA CÁC CÔ GÁI VÀ SỰ MÊ TÍN CỦA CÁC
THỦY THỦ
“Tôi nghe người ta văng ra đằng sau lưng tôi... những từ... những từ...
nặng tựa đá... “Ra trận, người ta bảo, chỉ có đàn ông thích cái thứ đó. Các
cô là những người không bình thường. Những người đàn bà bất đắc chí...
Những người thiểu năng...” Không đâu! Không, đấy là một ước vọng nhân
bản. Chiến tranh đã nổ ra, tôi sống một cuộc sống bình thường... Một cuộc
sống của một cô gái tuổi tôi... Và rồi bà láng giềng của tôi nhận được một
bức thư: chồng bà đã bị thương, ông ấy đang nằm bệnh viện. Tôi nghĩ:
“Ông ấy đã bị thương, ai sẽ thay ông?” Một người láng giềng khác trở về
mất một tay: ai thay thế ông? Một người thứ ba trở về, mất một chân, lại
thiếu một người nữa. Tôi viết đơn, tôi đòi, tôi van người ta tuyển tôi vào
quân đội. Chúng tôi đã được nuôi dạy như vậy: chúng tôi đã được học rằng
không có việc gì được làm trên đất nước này mà không có chúng tôi.
Chúng tôi được dạy yêu đất nước này. Và khi có chiến tranh, chúng tôi thấy
cần cống hiến sức mình. Nếu người ta cần y tá thì phải trở thành y tá. Nếu
thiếu pháo thủ phòng không thì đấy là nơi phải đăng vào.
Cô hỏi chúng tôi có muốn giống những người đàn ông không, ở ngoài
mặt trận? Lúc đầu, vâng, rất muốn! Chúng tôi cắt tóc rất ngắn, chúng tôi
thay đổi đến cả dáng đi. Nhưng rồi chán lắm! Về sau, chúng tôi muốn được
trang điểm biết bao nhiêu! Thay vì ăn đường, chúng tôi để dành đó, để vuốt
thẳng diềm tóc. Chúng tôi sung sướng khi nấu được một nồi nước để gội
đầu. Sau một cuộc hành quân dài, chúng tôi đi tìm cỏ non. Chúng tôi bứt và
chúng tôi... Vâng, cô biết đấy... chúng tôi xát lên đùi... Chúng tôi lau đùi
bằng cỏ... Chúng tôi làm sạch mình bằng cỏ... Chúng tôi, các cô gái, chúng