trực của tiểu đoàn. Tôi đưa bàn tay lên thái dương và hô: “Báo cáo đồng chí
trung úy, đại đội được phép ra khỏi doanh trại.” Ông ta tròn mắt nhìn tôi và
không nhịn được cười. Chỉ tới lúc này tôi mới nhận ra, trong lúc hấp tấp,
vốn thuận tay trái, tôi đã đưa bàn tay trái lên mũ. Tôi vội đổi tay, nhưng đã
muộn. Tôi lại phạm lỗi lần nữa...
Tôi mất nhiều thời gian mới hiểu ra ở đây không phải là một trò chơi
cũng không phải một ngôi trường bình thường mà là một học đường quân
sự. Một sự chuẩn bị cho chiến tranh. Và một mệnh lệnh của một cấp trên có
giá trị như một điều luật với cấp dưới.
Về cuộc thi kiểm tra cuối cùng, tôi nhớ câu hỏi sau cùng:
“Trong đời mình, một người công binh phạm mấy lỗi?
- Một người công binh chỉ phạm một lỗi trong đời mình.
- Đúng rồi! Cô gái...”
Và rồi đến thủ tục đã thành nghi lễ:
- Cô được tự do, học sinh Bairak.
Và tôi đã biết chiến tranh. Chiến tranh thật...
Người ta dẫn tôi đến phân đội của tôi. Tôi hô: “Phân đội, nghiêm!”
nhưng phân đội không hề có ý muốn động đậy. Một người vẫn nằm, người
khác ngồi hút thuốc, người thứ ba vặn lưng răng rắc: “Ah-ah!” Tóm lại,
người ta ra vẻ không chú ý đến tôi. Những người đàn ông tỏ ra giận dữ là
những trinh sát như họ, đã vào sinh ra tử, phải đi tuân lệnh một cô bé hai
mươi tuổi. Tôi hiểu điều đó và tôi thấy mình buộc phải ra lệnh: “Nghỉ!”
Đúng lúc ấy, pháo nổ. Tôi nhảy xuống một cái hố, nhưng vì tôi có một
chiếc áo choàng mới tinh, tôi không nằm dài ở đáy hố, trong bùn lõng
bõng, mà dựa người vào bên cạnh, trong tuyết chưa tan. Đấy là điều xảy
đến khi người ta còn trẻ: người ta nghĩ đến chiếc áo choàng hơn là cuộc
sống của mình. Một cô bé ngu ngốc! Biết làm sao, các cậu lính của tôi đã
cười nhạo...