binh nhì, hộ lý
“Lúc nào chúng tôi cũng nhìn thẳng mặt cái chết...
Có bao nhiêu là thương binh và chúng tôi thật thương xót tất cả họ, nhất
là khi chúng tôi tự thấy rằng chúng tôi bất lực, rằng những chàng trai trẻ kia
đang chết... và chúng tôi thì không làm gì được... chúng tôi muốn có thời
gian để ít ra ôm hôn họ. Có được với họ một cử chỉ đàn bà, nếu đã không
làm được với tư cách là thầy thuốc. Mỉm cười với họ.
Nhiều năm sau chiến tranh, một người đàn ông đã thú thật với tôi rằng
ông nhớ lại nụ cười thời con gái của tôi. Mà đối với tôi đấy là một thương
binh như những thương binh khác, tôi thậm chí không giữ ký ức gì về ông.
Ông tâm sự với tôi rằng nụ cười của tôi đã đưa ông trở lại cuộc sống, đã
đưa ông trở về từ thế giới bên kia, như cách người ta nói... Một nụ cười phụ
nữ…”
Vera Vladimirovna Chevaldycheva,
thượng úy, bác sĩ phẫu thuật
“Chúng tôi đến Mặt trận thứ nhất Biélorussi. Hai mươi bảy cô gái.
Những người đàn ông thán phục nhìn chúng tôi: “Không phải thợ giặt,
không phải điện thoại viên, mà là các xạ thủ bắn tỉa. Đây đúng là lần đầu
tiên họ nhìn thấy cảnh này. Và đều là những cô gái xinh đẹp!” Một anh
thượng sĩ đã làm một bài thơ ca ngợi chúng tôi. Ý nghĩa bài thơ là mong
các cô gái còn mãi gây xúc động như những đóa hồng tháng Năm và chiến
tranh sẽ không làm què quặt tâm hồn các cô.
Trước khi ra trận, mỗi chúng tôi đã có lời thề: thề sẽ không có một vụ
dan díu nào. Tất cả những chuyện đó sẽ đến với chúng tôi, nếu chúng tôi
thoát chết, sau chiến tranh. Nhưng trước chiến tranh, chúng tôi thậm chí
không có thời gian để biết đến một cái hôn. Chúng tôi có một cái nhìn chặt