cuộc trò chuyện, sau đó thì tôi không đếm nữa, các khuôn mặt đã xóa đi
trong trí nhớ tôi, tôi chỉ còn lại những tiếng nói. Cả một dàn đồng ca còn
vang lên trong trí nhớ tôi. Không, tôi sẽ không nói dối, tôi thú nhận: không
phải bao giờ tôi cũng chắc chắn đủ sức đi trọn con đường này. Đôi khi tôi
đã muốn dừng lại... quay lui... tìm lại cái cô gái là tôi trước ngày ra đi, cái
cô gái còn chưa biết chút gì, cô gái chưa bao giờ được một ai gửi gắm tâm
sự. Tuy nhiên, tôi không còn có thể từ bỏ. Tôi đã thành tù binh của cái ác,
tôi định giải mã nó, hiểu nó. Tôi đã học được, tôi tin vậy, một số hiểu biết
nào đó, nhưng các câu hỏi lại tăng lên nhiều hơn. Và những câu trả lời,
ngày càng hiếm...
Nhưng lúc này đây, mới khởi đầu con đường của mình, tôi còn chưa ngờ
điều ấy...
Tôi đến được ngôi nhà ấy nhờ một bài báo trên một tờ báo địa phương,
kể về một lễ chia tay gần đây trong một xí nghiệp xe của sở quản lý đường
bộ “Oudarnik”, nhân dịp về hưu của bà kế toán trưởng Maria Ivanovna
Morozova. Bài báo nói rằng bà từng là xạ thủ bắn tỉa trong chiến tranh, bà
đã mười một lần được thưởng huân chương vì những chiến công của bà, và
đã có đến bảy mươi lăm tên địch bị bà bắn hạ. Tôi thật khó nối kết được
trong tâm trí mình hoạt động của người phụ nữ ấy trong chiến tranh với
nghề nghiệp của bà trong hòa bình. Và càng không thể với tấm ảnh tầm
thường in trên báo. Với tất cả những gì thể hiện trong cuộc sống thường
nhật rất bình thường.
... Một người đàn bà bé nhỏ, vấn tóc theo cách dễ thương như một cô gái
ngày xưa, bím dài quấn quanh đầu, và chẳng giống chút nào với tấm ảnh
trên báo... Bà ngồi trong một ghế bành to, hai bàn tay đặt trên mặt:
- Không, tôi không muốn. Tôi không thể. Ngay cả hôm nay, tôi không
thể xem một phim chiến tranh. Quay trở về đó. Mà này, thậm chí cô khiến
tôi thương cảm... Tôi nói với cô như với con gái tôi. Cô còn trẻ quá, mà cô
muốn biết chuyện đó! Còn tôi? Hồi ấy tôi còn gần như là một đứa trẻ con.
Tôi mơ mộng và tôi lớn lên, tôi lớn lên và tôi mơ mộng...