căng tin nhà máy chúng tôi: “Cô ấy thơm mùi nước hoa, còn cô thì chỉ bốc
mùi ủng với lại mùi vớ.”
Trong chiến tranh, tôi biết một người đàn ông, sau chiến tranh, tôi khám
phá ra một người khác. Trong chiến tranh, đàn ông khác. Không có phụ nữ,
họ khác... Không có phụ nữ và trước cái chết... Trước bom đạn..”
Ekaterina Nikititchna Sannikova,
trung sĩ, xạ thủ
VỀ MỘT SỰ IM LẶNG KỲ LẠ TRƯỚC BẦU TRỜI VÀ VỀ MỘT
CHIẾC NHẪN ĐÁNH MẤT
“Khi tôi từ giã Kazan ra trận, tôi là một cô bé mười chín tuổi...
Sáu tháng sau, tôi viết thư về cho mẹ rằng người ta cho tôi đã hăm lăm
hay hăm bảy tuổi. Mỗi ngày trong nỗi sợ, trong kinh hoàng. Một mảnh
pháo bay qua và ta tưởng mình bị giết tươi. Và những người đàn ông chết.
Họ chết mỗi ngày, mỗi giờ qua. Thậm chí ta có cảm giác, mỗi lúc người ta
lại chết. Thiếu chăn để bó người chết. Người ta đặt họ xuống mồ trong đồ
lót của họ. Một sự im lặng khủng khiếp ngự trị trong các phòng. Tôi không
nhớ còn biết một thứ im lặng như thế ở đâu khác. Khi một người hấp hối,
bao giờ họ cũng nhìn lên trên, không bao giờ họ nhìn về một bên hay về
phía ta, nếu ta ở gần họ. Chỉ về phía trên... Lên trần nhà... Nhưng cái trần
nhà ấy, họ nhìn như nhìn trời...
Và tôi tự nhủ tôi sẽ không nghe được dù chỉ một từ nhỏ nhất về tình yêu
giữa chốn địa ngục này. Rằng tôi không thể tin ở điều đó. Chiến tranh đã
kéo dài nhiều năm, mà tôi không nhớ lấy một bài hát nào. Ngay bài Pháo
đài nổi tiếng. Không một bài hát nào. Tất cả những gì tôi nhớ là lúc tôi đi ra
trận, những cây anh đào trong vườn nhà chúng tôi đang ra hoa. Bước đi xa,
tôi quay nhìn lại: “Có thể đây là lần cuối tôi thấy anh đào ra hoa.” Sau đó,
hẳn tôi còn đi qua những khu vườn khác ven đường. Hẳn chúng tiếp tục ra
hoa, đúng không? Ngay cả trong chiến tranh. Nhưng tôi không còn giữ