Bạn tôi Katia Simakova là liên lạc của du kích. Cô có hai đứa con gái.
Cả hai đều còn nhỏ... xem nào, chúng có thể mấy tuổi?... chừng sáu, bảy
tuổi. Cô dắt tay chúng và đi khắp thành phố để dò xem xe quân sự nào đỗ ở
đấy và tại vị trí nào. Nếu một tên lính gác gọi cô, cô há mồm và làm ra vẻ
ngây ngô. Cô đã làm thế nhiều năm... Người mẹ sẵn sàng hy sinh các con
gái của mình.
Trong số chúng tôi có một phụ nữ tên là Zajarskala. Cô có một đứa con
gái, Valeria, bảy tuổi. Chúng tôi có nhiệm vụ làm nổ nhà ăn nơi bọn Đức ăn
uống. Chúng tôi quyết định đặt một quả bom trong lò sưởi, nhưng phải đưa
được nó tới đó. Người mẹ bèn tuyên bố con gái cô sẽ nhận việc ấy. Cô đặt
quả bom trong một chiếc giỏ và phủ lên trên hai chiếc áo dài trẻ con, một
tấm vải lông, một tá trứng và bơ. Và con gái bà đã chuyển quả bom vào nhà
ăn bằng cách đó. Người ta bảo: bản năng người mẹ mạnh hơn tất cả. Nhưng
không, lý tưởng mạnh hơn. Chúng ta đã thắng vì chúng ta có niềm tin. Tổ
quốc và chúng ta là một. Và tôi giữ ý kiến đó đến những ngày cuối cùng
của đời tôi...”
Alexandra Ivanovna Khromova,
bí thư chi bộ Đảng ở quận Antopol
“Trong phân đội chúng tôi, có hai anh em Tchimouk... Họ bị sa vào ổ
phục kích ở làng, họ rút lui vào trong một nhà kho bị đốt cháy. Họ chiến
đấu đến cùng, rồi, bị bỏng nặng, cuối cùng họ đã ra. Chúng đặt họ trên một
chiếc xe kéo, diễu qua khắp làng, cho mọi người nhìn thấy, hy vọng sẽ có ai
đó nhận ra họ và khai tên họ ra.
Cả làng đều có mặt. Bố mẹ họ cũng ở đấy, nhưng không một tiếng nào
lọt ra khỏi miệng. Bà mẹ ấy đã có quả tim thế nào để không hét lên?... Để
không phản ứng?... Nhưng bà biết nếu bà bật khóc, cả làng sẽ bị đốt. Và tất
cả dân làng sẽ bị tàn sát. Chúng sẽ đốt làng vì là hang ổ của du kích. Có đủ
thứ huân chương cho mọi chuyện, nhưng chẳng huân chương nào là đủ;