“Chuyến công tác đầu tiên... Họ mang đến cho tôi những tờ truyền đơn.
Tôi khâu chúng vào một chiếc gối. Mẹ tôi khi thay khăn trải giường nghe
có gì đó dưới các ngón tay bà. Bà tháo các đường khâu và phát hiện truyền
đơn. Bà khóc. “Con sẽ làm cả mẹ lẫn con chết mất thôi.” Nhưng rồi sau đó,
bà đã giúp tôi.
Những người liên lạc của du kích thường nghỉ lại nhà tôi. Họ tháo cương
ngựa và bước vào. Cô tưởng sao? Những người hàng xóm không nhìn thấy
gì hết? Họ thấy và họ đoán. Tôi đã kể với họ đấy là những người bạn của
anh trai tôi ở quê. Nhưng mọi người đều biết tôi chẳng có một người anh
nào ở quê cả. Tôi biết ơn họ, tôi phải nghiêng mình trước tất cả những
người ở làng chúng tôi. Chỉ cần một từ là tất cả chúng tôi tiêu tan, cả gia
đình tôi. Chỉ cần một ngón tay chỉ về phía chúng tôi. Nhưng không ai...
Không một người... Trong chiến tranh, tôi thương lắm những con người đó
để mãi cho đến hôm nay tôi vẫn còn yêu quý họ...
Sau giải phóng... Tôi đi ngoài đường và vẫn cứ luôn nhìn về phía sau: tôi
không thể hết sợ, không thể yên tâm bước đi ngoài đường. Tôi đi và tôi
đếm những chiếc xe; ở ga, tôi đếm các chuyến tàu. Tôi không thể thoát
khỏi kháng chiến...”
Vera Grigorievna Sedova,
người hoạt động kháng chiến
“Tôi khóc rồi... Thay vì lời nói là nước mắt...
Chúng tôi bước vào một ngôi nhà tranh, và ở đấy, không có gì hết ngoài
hai chiếc ghế dài bằng gỗ mộc, bào thô, và một cái bàn. Tôi nghĩ không có
đến một cái cốc để uống nước. Chúng đã tịch thu hết. Chỉ còn một bức hình
thánh trong một góc phòng, với một chiếc khăn thêu đặt bên trên
. Một
đôi vợ chồng già. Một người trong chúng tôi cởi ủng. Vớ của anh rách
bươm đến mức anh không sao quấn lại được nữa. Mà trời thì mưa, chỗ nào
chúng tôi cũng lội trong bùn và ủng của anh lại thủng. Và vậy là bà cụ đến