hàng!” Nhưng anh không thể rời thằng bé. Anh đứng vào hàng vẫn ôm nó...
Ông cán bộ quân sự quát anh, nhưng anh, anh vẫn tiếp tục tưới đẫm đứa bé
bằng nước mắt mình. Đến nỗi ướt đầm cả tã lót. Chúng tôi tiếp tục đi theo
anh, các con và tôi, ra xa ngoài làng. Chúng tôi đã chạy phải đến năm cây
số. Những người phụ nữ khác cũng chạy cùng chúng tôi. Các con tôi đã
mệt, và tôi khó lắm mới bế nổi đứa bé nhất. Volodia, đấy là tên chồng tôi,
quay nhìn lại, và tôi, tôi chạy, tôi chạy... Tôi là người cuối cùng còn chạy
theo hàng quân... Tôi bỏ lại những đứa lớn trên đường. Tôi chạy cùng với
đứa nhỏ nhất...
Một năm sau, một bức thư được gửi đến: Vladimir Grigorovitch chồng
bà đã chết ở Đức, gần Berlin. Tôi không bao giờ nhìn thấy mộ anh. Một
người hàng xóm đã trở về, khỏe mạnh, rồi một người khác, mất một chân.
Tôi đau khổ biết bao: sao chồng tôi không trở về, dù cụt hẳn chân, mà còn
sống? Tôi sẽ chăm anh...
“Tôi còn lại một mình với ba đứa con trai... Tôi khuân các bó lúa, bó củi
đốn trong rừng, các bao khoai. Tất cả chỉ một mình. Tôi tự kéo bừa và cày.
Ừ, biết làm sao? Ở chỗ chúng tôi, cứ hai ba người, thì có một bà góa, có
chồng là lính chết trận. Chúng tôi ở lại không có đàn ông. Không ngựa. Vì
ngựa cũng bị bắt đi cho chiến tranh. Và nói cho thẳng ra, sau chiến tranh,
đàn bà đã thay thế cả đàn ông lẫn súc vật: họ mang tất cả trên lưng. Thêm
nữa, tôi mang danh hiệu thành viên nông trang tập thể gương mẫu. Họ đã
trao cho tôi hai bằng danh dự và một lần, thậm chí còn cho cả mười mét vải
in hoa. Chắc chắn là tôi vui sướng, tôi có thể may áo sơ mi cho các con trai
tôi, cho cả ba đứa.”
“Sau chiến tranh... Con trai của những người đã chết trở thành những
người đã thành niên. Họ lớn lên. Mười ba, mười bốn tuổi, các cậu bé ấy
nghĩ là mình đã trưởng thành. Họ muốn cưới vợ. Không có đàn ông và phụ
nữ thì còn quá trẻ...
Chẳng hạn người ta nói với tôi: “Đưa con bò của bà cho tôi, thì sẽ không
có chiến tranh”, tôi sẽ đưa ngay! Để cho con cái tôi không phải biết những