Sau đó, nhà chúng tôi bị cháy... Chúng tôi phải ra đường, chỉ còn duy
nhất những thứ chúng tôi mang trên người. Có những đơn vị Đức đã vào
trong thành phố. Chúng tôi không biết đi đâu. Tôi đã lang thang nhiều ngày
trên đường cùng các con tôi. Rồi tôi gặp Tamara Sergueïevna Sinitsa, một
cô gái tôi có quen sơ trước chiến tranh. Cô nghe tôi nói rồi bảo:
“Về ở nhà tôi đi...
- Các con tôi bị ho gà. Làm sao có thể đến nhà cô được?
Cô ấy cũng có các con còn nhỏ, chúng có thể bị lây bệnh. Mà đấy là một
thời kỳ đáng sợ... Không thuốc men, không bệnh viện. Không gì hết.
- Chẳng sao đâu, cứ đến đi.”
Cô gái thân mến, cô thấy có thể quên được những điều đó chăng? Họ đã
chia sẻ với tôi đôi miếng vỏ khoai tây là phần ăn của họ. Tôi cắt chiếc váy
cũ của tôi để may cho con trai một cái quần làm quà sinh nhật.
Nhưng chúng tôi mơ ước được chiến đấu... Nằm im khiến tôi đến điên
lên... Hạnh phúc bao nhiêu khi được tham gia hoạt động bí mật, thay vì
ngồi đó, khoanh tay. Thay vì nghĩ rằng phải chịu nhịn nhục và chờ đợi. Để
đề phòng mọi tình huống, tôi đã để con trai tôi ở nhà mẹ chồng. Bà đặt cho
tôi một điều kiện: “Mẹ nhận cháu trai của mẹ, nhưng từ nay con đừng đến
đây nữa. Con sẽ khiến tất cả chúng ta bị giết.” Suốt ba năm, tôi không thấy
lại con trai tôi, tôi sợ đến gần nhà họ. Còn con gái tôi, khi tôi biết tôi bị
theo dõi, tôi hiểu là bọn Đức đã dò ra đường dây của tôi, tôi mang nó theo
và tôi gia nhập một nhóm du kích. Tôi đã bế nó trên tay đi năm mươi cây
số. Trên tay tôi...
Nó ở trong ấy với tôi suốt một năm... Tôi tự hỏi làm sao chúng tôi đã
sống sót được. Nếu cô đặt câu hỏi đó cho tôi, tôi sẽ không giải thích được
cho cô. Bởi vì, cô ạ, sự thể như vậy là điều không thể chịu đựng được. Khi
tôi nghe các từ “bao vây du kích”, răng tôi còn run lập cập.
Tháng năm 1943. Người ta phái tôi mang một chiếc máy đánh chữ sang
cho một vùng du kích lân cận. Vùng Borissov. Họ đã có một chiếc, nhưng