là chữ cái cyren
, nhưng họ cần chữ cái tiếng Đức. Chúng tôi là phân đội
duy nhất có loại máy đó. Theo lệnh ủy ban kháng chiến, tôi đã lọt ra được
khỏi Minsk ngay trước mũi bọn Đức. Vài ngày sau khi tôi sang đến bên đó,
ở vùng hồ Palik, cuộc bao vây bắt đầu. Tôi rơi vào hoàn cảnh mới rắc rối
làm sao!...
Tôi lại không đi một mình, mà với con gái tôi... Khi tôi đi công tác một
hay hai ngày, bao giờ tôi cũng tìm được một ai đó trông hộ, nhưng tôi
không tìm được chỗ để nó lại lâu dài. Cho nên, tất nhiên, tôi mang nó theo.
Và thế là chúng tôi, nó và tôi, rơi vào vòng vây... Bọn Đức đã vây khu vực
do du kích kiểm soát... Trên trời thì dội mưa bom, dưới mặt đất thì súng
máy bắn. Nếu đàn ông, khi họ đi, chỉ phải mang theo súng, thì tôi, tôi có
khẩu súng, cái máy đánh chữ và con bé Ella của tôi. Chúng tôi đi tới, tôi
loạng choạng, và thế là nó ngã, vượt qua đầu tôi, rơi xuống đầm lầy. Chúng
tôi tiếp tục - lại ngã nhào nữa, và cứ thế... suốt hai tháng! Tôi đã thề, nếu tôi
thoát ra được, tôi sẽ không đến gần đầm lầy dưới một nghìn cây số nữa. Tôi
không thể nhìn nó nữa.
“Con biết vì sao mẹ không nằm xuống khi chúng nó bắn. Mẹ muốn cùng
chết cả hai.” Con bé của tôi nói với tôi như thế đấy, một con bé bốn tuổi.
Nhưng thực ra là tôi không đủ sức nằm dài ra đất. Nếu tôi nằm xuống, tôi
không đứng dậy được nữa.
Đôi khi, những người du kích thương xót tôi:
“Thôi thế đủ rồi, để chúng tôi cõng cháu cho...”
Nhưng tôi không tin ai hết. Và nếu bất ngờ chúng bắn, nếu nó chết mà
tôi không có ở đấy, tôi không nhìn thấy nó?... Nếu nó bị lạc?...
Lopatine, người chỉ huy sư đoàn, đón tôi bằng những lời:
“Một người phụ nữ mới tuyệt làm sao!” Ông xúc động. “Trong một hoàn
cảnh thế này, mà cô ấy vẫn bế con và không bỏ bớt cái máy chữ. Nhiều
người đàn ông không được thế đâu.”