Ông ôm Ella của tôi trên tay, hôn nó rối rít. Ông lộn ngược tất cả các túi
của ông và cho nó những mẩu bánh mì còn lại trong đó. Nó ăn rồi nó lại
ngâm nước đầm lầy. Noi theo người chỉ huy, những người du kích khác
cũng lộn ngược túi ra và cho nó những mẩu bánh cuối cùng.
Khi chúng tôi đã ra khỏi vòng vây, tôi ốm hẳn. Người tôi đầy đinh nhọt,
da tôi tróc từng mảng. Và tôi luôn có con bé trên tay. Chúng tôi chờ một
máy bay đến từ vùng tự do, người ta báo cho chúng tôi nó sẽ đến chỗ chúng
tôi, nó sẽ chở thương binh và nhân thể, cả bé Ella của tôi. Tôi nhớ lúc đưa
nó lên máy bay. Những người thương binh chìa tay ra cho nó:
“Ellotchka
, đến đây với chú”, “Đến đây, còn chỗ đây mà”. Tất cả họ đều
biết nó, ở bệnh viện mặt trận, nó hát cho họ: “A! Giá chúng ta còn sống
được cho đến ngày cưới...”
Anh phi công hỏi nó:
“Con đi với ai, cô bé?
- Với mẹ. Mẹ còn ở dưới kia.
- Gọi mẹ đi, để mẹ bay cùng.
- Không, mẹ không được đi. Mẹ phải đánh bọn phát xít.”
Bọn trẻ của chúng tôi là thế đấy. Và tôi, tôi nhìn khuôn mặt bé nhỏ của
nó và bụng tôi quặn thắt khi nghĩ nếu tôi không gặp lại được nó một ngày
kia.
Tôi cũng sẽ kể cho cô, tôi và con trai tôi đã gặp lại nhau như thế nào. Ấy
là sau giải phóng. Tôi đi về phía ngôi nhà nơi mẹ chồng tôi vẫn ở và chân
tôi cứ rủn đi. Những người phụ nữ trong đơn vị tôi, lớn tuổi hơn tôi, đã báo
cho tôi trước: “Khi cô gặp lại nó, dẫu thế nào cũng đừng nói ngay với nó cô
là mẹ nó. Cô có hình dung tất cả những gì nó đã trải qua trong khi không có
cô?”
Con gái một bà láng giềng chạy tới:
“Ô! Mẹ của Lionia! Lionia vẫn sống đấy, cô biết không?...”