Quà tôi mang về cho nó là một bánh xà phòng. Thời đó, ấy là quá sang,
và khi tôi bắt đầu tắm cho con gái tôi, nó cắn ngập răng vào đấy, nó muốn
nếm, muốn ăn. Họ đã sống như thế đấy. Tôi nhớ mẹ tôi trong hình ảnh một
phụ nữ trẻ, nhưng đón tôi là một bà già. Người ta nói với bà là con gái bà
đã về đấy, thế là bà lao ra khỏi vườn. Bà nhìn thấy tôi ngoài đường, bà
giang hai tay ra và chạy về phía tôi. Tôi cũng thế, tôi đã nhìn thấy bà và tôi
lao tới gặp bà. Bà không vượt qua được mấy bước chúng tôi còn cách nhau,
bà ngã xuống, vì đuối sức. Tôi cũng ngã xuống, cạnh bà. Tôi ôm bà. Trong
lòng tôi xiết bao thương yêu, xiết bao căm giận.
Tôi nhớ một tên Đức bị thương nằm dưới đất, nó bám vào đất, vì nó đau.
Một trong số những người lính của chúng ta đã đến gần nó: “Đừng chạm
vào đó, đấy là đất của ta! Đất của ngươi ở bên kia, nơi từ đó ngươi đến
đây.””
Maria Vassilievna Pavlovets,
bác sĩ du kích
“Tôi ra trận sau chồng tôi...
Tôi để con gái tôi lại ở nhà mẹ chồng, nhưng chẳng bao lâu sau bà đã
chết. Chồng tôi có một người em gái, cô đã nhận nó. Sau chiến tranh, khi
tôi đã giải ngủ, cô không muốn trả con lại cho tôi. Cô bảo tôi rằng tôi
không thể có lại được, khi tôi đã bỏ nó lúc còn bé thế để đi ra trận. Làm sao
một người mẹ có thể bỏ con của mình, nhất là khi nó còn nhỏ yếu và đơn
côi thế? Khi tôi từ chiến tranh trở về, con gái tôi đã bảy tuổi, khi tôi để nó
lại, nó mới lên ba. Tôi gặp lại một đứa con gái đã lớn. Nó gầy còm, nó ăn
không đủ no, ngủ không đủ giấc; có một bệnh viện gần nhà, nó phải thường
xuyên đến đấy, nó biểu diễn này nọ, nó múa, người ta cho nó bánh mì. Về
sau nó kể lại cho tôi tất cả những chuyện đó... Lúc đầu nó chờ bố và mẹ, rồi
chỉ còn chờ mẹ. Bố nó đã chết... Nó hiểu...