huấn luyện để làm thế, nhưng ở đây, không con nào thoáng nhúc nhích.
Con gái tôi lao vào trong vòng tay tôi, tôi không khóc, tôi chỉ nói: “Con gái
nhỏ của mẹ! Natacha của mẹ! Đừng khóc. Rồi mẹ sẽ về nhà.” Bọn lính gác
đứng đó, cả chúng cũng không động đậy, như các con chó. Không ai động
đến nó...
Cả lúc ấy nữa, tôi không khóc...
Năm tuổi, con gái tôi đã đọc những lời kinh, chứ không phải thơ. Dì
Dacha dạy nó phải cầu kinh như thế nào. Nó cầu cho bố và mẹ, cầu cho
chúng tôi còn sống.
Ngày 13 tháng Hai 1944, tôi bị chuyển vào một nhà giam của bọn phát
xít, ở trại tập trung Croisette, trên vùng Manche
. Ngày 18 tháng ba,
ngày kỷ niệm Công xã Paris, một số người Pháp đã tổ chức cuộc vượt ngục
của chúng tôi, và tôi ra chiến khu. Tôi được thưởng huân chương chiến
tranh của Pháp...
Sau chiến tranh, tôi về nước. Tôi nhớ chặng dừng đầu tiên trên đất ta.
Chúng tôi nhảy xuống khỏi toa, chúng tôi ôm hôm đất đai của chúng ta,
chúng tôi vuốt ve nó... Tôi nhớ: tôi mặc một chiếc áo blu trắng, tôi quỳ
xuống, tôi hôn đất, và tôi trút từng nắm đất lên ngực tôi. Tôi nghĩ: “Làm
sao tôi còn có thể xa rời nó, xa rời mảnh đất thân yêu này?”
Tôi về đến Minsk, nhưng chồng tôi không có ở nhà. Con gái tôi ở nhà dì
Dacha. Chồng tôi bị NKVD bắt. Tôi đi đến đó... Và tôi nghe những gì... Họ
nói với tôi: “Chồng cô là một tên phản bội.” Nhưng, chồng tôi và tôi đã làm
việc cùng nhau trong kháng chiến. Chồng tôi là một người lương thiện và
dũng cảm. Tôi biết anh là đối tượng của một vụ tố giác... Một vụ vu khống.
“Không, tôi trả lời, chồng tôi không phải là một kẻ phản bội. Tôi tin anh ấy.
Đấy là một người cộng sản chân chính.” Viên sĩ quan phụ trách hồ sơ của
anh gào lên: “Bịt miệng con kia lại, đồ đĩ Pháp! Câm mồm đi!”
Có một sự nghi ngờ đối với tất cả những người bị địch bắt, với tất cả
những ai đã sống dưới thời bị chiếm đóng. Thậm chí họ không thèm quan
tâm đến việc chúng tôi đã dấn thân vào cuộc chiến đấu. Nhân dân đã thắng