Ừ thì, dẫu sao, cuối cùng đối với nó chuyện đó cũng qua đi. Một hôm
khác, nó chơi với bọn trẻ khác ngoài sân, buổi tối nó về và hỏi tôi:
“Mẹ ơi, bố như thế nào, hở mẹ?”
Tôi giải thích cho nó:
“Bố đẹp, bố rất đẹp, nước da bố rất trắng, bố chiến đấu trong quân đội.”
Nhưng khi Minsk được giải phóng, tiến vào thành phố trước tiên là các
xe tăng. Và thế là cậu con tôi chạy về nhà vừa khóc:
“Không có bố của con ngoài ấy! Ngoài ấy chỉ có những người đen,
không có người trắng...
Đang tháng Bảy, các chiến sĩ xe tăng đều trẻ, rất sạm nắng.
Chồng tôi từ chiến tranh trở về tàn phế. Không còn là một người đàn ông
trẻ trung, mà là một ông già, và thật là khổ cho tôi: con trai tôi đã quen
tưởng tượng bố nó là người đàn ông đẹp, nước da trắng, thế mà lại là một
ông già đau ốm đến nhà. Cho nên rất lâu nó mới chịu nhận anh là bố. Do
thế, nó không biết gọi anh như thế nào. Tôi phải tập cho hai người quý mến
nhau.
Chồng tôi đi làm việc về, tôi mở cửa cho anh vừa nói:
“Sao anh về muộn thế, Dima lo đấy, nó hỏi bố nó ở đâu?”
Anh ấy cũng vậy, cô thấy không, sáu năm chiến tranh (anh ấy còn đánh
Nhật nữa
), anh cũng đã quên mất thói quen với con trai. Với nhà mình.
Nên khi tôi mua thứ gì đó cho con trai, tôi nói với nó: “Bố mua cái này
cho con đấy, bố nghĩ đến con.”
Từng chút một, cuối cùng bố con đã gần nhau.”
Nadejda Vikentievna Khattchenko,
người kháng chiến