cuộc chiến tranh, nhưng không phải ai cũng được tin tưởng. Tổ quốc đã
cám ơn chúng tôi như thế đó. Cảm ơn tình yêu Tổ quốc của chúng tôi, máu
chúng tôi đã đổ vì Tổ quốc...
Tôi vận động khắp nơi... Tôi viết cho tất cả các cấp xét xử. Sáu tháng sau
chồng tôi được thả. Họ đã đánh anh gãy một xương sườn và vỡ một quả
thận. Khi anh sa vào tay bọn phát xít, chúng đã đánh anh nứt sọ và gãy một
cánh tay, tóc anh đã bạc ra, nhưng năm 1945, NKVD cuối cùng đã hoàn tất
việc biến anh thành một người tàn phế. Tôi đã chạy chữa cho anh suốt
nhiều năm, nhiều lần tôi đã cứu anh khỏi bệnh tật. Nhưng tôi không thể nói
gì ngược lại, anh không nghe tôi. “Đấy là một nhầm lẫn”, anh bảo. Đối với
anh, điều quan trọng nhất là đã chiến thắng. Chấm hết. Và tôi tin anh...
Tôi không khóc. Thời ấy, tôi không khóc...”
Lioudmila Mikhaïlovna Kachetchkina,
người hoạt động kháng chiến
“Làm sao cắt nghĩa cho một đứa bé? Làm sao cắt nghĩa cho nó về cái
chết...
Tôi đi với con trai tôi ngoài đường và đường đầy xác chết. Tôi kể cho nó
chuyện Cô bé quàng khăn đỏ và xung quanh chúng tôi chỗ nào cũng là
người chết. Đấy là khi chúng tôi từ chỗ tản cư trở về. Chúng tôi ở nhà mẹ
tôi và rất nhanh chóng tôi nhận ra ngay cậu con trai tôi có gì đó không ổn:
nó chui vào gầm giường và nấp ở đó suốt ngày. Hồi ấy nó lên năm mà
không thể nào bảo nó đi ra bên ngoài...
Tôi day dứt suốt một năm về nó. Tôi không biết đã có chuyện gì với nó.
Mà, chúng tôi sống dưới tầng hầm: khi có người đi qua, chỉ nhìn thấy giày
của họ. Một lần, con trai tôi quyết định chui ra khỏi gầm giường và nhìn
thấy một đôi ủng đứng cắm trước cửa sổ. Nó đã rú lên... Tôi mới nhớ ra
một hôm một tên phát xít dùng ủng đánh nó một phát...