CHIẾN TRANH KHÔNG CÓ MỘT KHUÔN MẶT PHỤ NỮ - Trang 310

“Tiểu sử tôi.

Tôi làm việc trong ngành đường sắt từ 1929. Tôi là phụ máy. Hồi đó ở

Liên Xô không có một người phụ nữ thợ máy nào. Mà tôi thì mơ thành thợ
máy. Ông giám đốc kho xe thất vọng kêu lên: “Ôi, cái cô gái này! Cô chỉ
thích nghề đàn ông.” Nhưng tôi cứ cố nài. Năm 1931, tôi là người phụ nữ
lái đầu máy xe lửa đầu tiên. Cô sẽ không tin đâu, nhưng khi tôi leo lên đầu
máy, người ta tập họp trên sân ga: “Ôi, một cô gái lái xe lửa!”

Một hôm, đầu máy của chúng tôi nằm kho để kiểm tra. Chồng tôi và tôi,

chúng tôi làm việc luân phiên, vì chúng tôi đã có một cháu bé. Chúng tôi
thu xếp như sau: nếu anh ấy trực, thì tôi giữ bé, và nếu tôi đi làm, thì anh ở
nhà. Đúng ngày hôm ấy, chồng tôi vừa về và đến lượt tôi đi. Buổi sáng, tôi
thức dậy và tôi nghe có tiếng ồn ào bất thường ngoài đường. Tôi mở radio:
“Chiến tranh!”

Tôi nói với chồng tôi:

“Liona, dậy đi, chiến tranh rồi! Dậy đi, chiến tranh rồi!”

Anh chạy đến kho xe và trở về nước mắt ròng ròng:

“Chiến tranh rồi! Chiến tranh rồi! Em có biết thế nào là chiến tranh

không?”

Làm thế nào? Làm thế nào với cháu bé đây?

Chúng tôi tản cư, con trai tôi và tôi, ở Oulianovsk, trong nội địa. Người

ta cho chúng tôi ở một căn hộ hai phòng, một căn hộ đẹp, ngày nay tôi cũng
chẳng có được thế. Họ cho con trai tôi vào nhà trẻ. Mọi sự đều ổn. Mọi
người yêu mến tôi. Thế nào, một người phụ nữ thợ máy, lại là người đầu
tiên. Cô sẽ không tin tôi, tôi đã ở đấy không lâu, chưa đến sáu tháng. Tuy
nhiên, tôi không thể chịu được nữa: mọi người bảo vệ Tổ quốc, còn tôi ở
nhà lê mông trên ghế sao!

Chồng tôi đến:

“Thế nào, Maroussia, em chịu ở hậu phương sao?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.