“Tôi đã nhìn thấy mọi thứ... Ở chỗ chúng tôi, một sĩ quan đã yêu một cô
gái Đức. Anh bị cách chức và đuổi về hậu phương.
Tôi nhớ một cô gái Đức bị hiếp. Cô nằm dưới đất, trần truồng. Một trái
lựu đạn giữa hai đùi...
Có lẽ tốt hơn cả là không nên nói về chuyện đó…”
A. Ratkina, hạ sĩ,
điện thoại viên
“Quê hương chúng ta đã được giải phóng... Ý nghĩ chết trở nên hoàn
toàn không thể chấp nhận, cũng như ý nghĩ còn chôn cất những con người.
Từ nay người ta chết trên đất lạ, và người ta chôn trên đất lạ. Người ta giải
thích cho chúng tôi là phải giải quyết cho hết quân thù. Rằng quân thù còn
nguy hiểm. Mọi người đều rất hiểu... Nhưng chết thì thật buồn... Dù gì đi
nữa...
Tôi nhớ những tấm bảng dọc các con đường, chúng giống như những
thập ác: “Đây rồi, nước Đức đáng nguyền rủa!” Mọi người đều nhớ tấm
bảng ấy...
Và tất cả chúng tôi đều đã chờ giây phút ấy... Cuối cùng chúng tôi sẽ
hiểu. Cuối cùng nhìn thấy. Chúng ở đâu ra vậy? Đất đai của chúng ra sao,
nhà cửa của chúng ra sao? Có phải là những con người bình thường sống
cuộc sống bình thường? Ở ngoài mặt trận, tôi không tưởng tượng còn bao
giờ có thể đọc lại các bài thơ của Heine. Hay của Goethe yêu quý của tôi...
Có thể một ngày nào đó nghe lại Wagner... Trước chiến tranh, tôi, một
người đã lớn lên trong một gia đình nhạc sĩ, tôi yêu thích nhạc Đức: Bach,
Beethoven. Tôi đã xóa hết tất cả những cái đó khỏi vũ trụ của tôi. Về sau,
nguời ta đã chỉ cho tôi các lò thiêu người... Auschwitz... Những núi quần áo
phụ nữ, những đôi giày có cổ của trẻ con... Tro xám... Tro người... Tất cả
những gì còn lại của con người... Chúng được chở đi và rải trên các cánh
đồng để làm phân bón cho bắp cải. Cho xà lách...