“Tôi sợ cuộc gặp gỡ ấy...
Khi tôi ở trường, một số học sinh Đức đã đến thăm trường chúng tôi. Ở
Moskva. Chúng tôi đã cùng nhau đi nhà hát, chúng tôi đã cùng nhau hát.
Tôi còn giữ kỷ niệm về một cậu con trai Đức. Cậu hát rất tuyệt. Chúng tôi
kết bạn, thậm chí tôi đã yêu cậu. Và suốt chiến tranh, tôi tự nhủ: nếu tôi gặp
lại và nhận ra cậu? Cậu ấy có ở trong số chúng nó? Tôi rất đa cảm, từ nhỏ,
tôi nhạy cảm kinh khủng. Kinh khủng!
Một hôm, tôi đi qua cánh đồng, ngay sau một trận đánh, và hình như tôi
nhìn thấy cậu ấy trong số những người bị giết. Đó là một cậu con trai rất
giống cậu... Tôi đã dừng một lúc lâu, đứng đấy, cạnh cậu...”
Maria Anatolievna Flerovskaïa,
giáo viên chính trị
“Có những từ mới đã xuất hiện: “trắc ẩn”, “tha thứ”. Nhưng làm sao tha
thứ? Làm sao quên. Tha thứ cho nước mắt của những người thân của chúng
ta. Tha thứ cái chết của họ...
Một trong những người lính của chúng ta... Làm sao giải thích cho cô cái
đó? Anh nhận được một lá thư của vợ, nói rằng tất cả gia đình anh đã bị
giết. Tất cả anh em anh. Bố mẹ anh. Anh chộp lấy một khẩu tiểu liên và lao
vào một nhà người Đức, ngôi nhà đầu tiên anh nhìn thấy, ngôi nhà ở gần
đơn vị chúng tôi nhất. Chúng tôi nghe những tiếng kêu... Những tiếng kêu
kinh hoàng... Không ai kịp ngăn anh... Những người lính khác đã đuổi theo
anh, nhưng quá muộn rồi. Người ta đã tước khẩu tiểu liên của anh. Người
ta đã trói tay anh. Anh bước đi và khóc. Anh chửi và thổn thức:
“Hãy để cho tôi tự bắn một phát vào đầu.”
Anh đã bị bắt...”
A.Sva, xạ thủ phòng không.