“Tôi đã học bắn...
Nhưng trong ba năm... Trong ba năm chiến tranh, tôi đã quên sạch các
quy tắc ngữ pháp. Toàn bộ các chương trình giáo dục. Tôi có thể nhắm mắt
tháo rời một khẩu tiểu liên, nhưng ngược lại, khi thi vào đại học, tôi làm
một bài luận đặc kín những lỗi trẻ con, và thực sự là không có dấu phẩy.
Các huân chương của tôi đã cứu tôi...
Ở đại học, tôi học lại thế nào là lòng nhân ái. Đêm, tôi có những cơn ác
mộng: bọn SS, tiếng chó sủa, tiếng kêu cuối cùng của những người hấp hối.
Một người đàn ông người ta mang đi để hành quyết... Mắt ông đầy hoảng
sợ, hoảng sợ sống những giây phút cuối cùng của đời mình. Và đầy tuyệt
vọng!... Cái đó đuổi theo tôi. Cái đó giết chết tôi! Các bác sĩ cấm tôi tiếp
tục học. Nhưng các cô bạn cùng phòng ở ký túc xá, bảo tôi quên các bác sĩ
đi. Các cô gái ấy, lặng lẽ, đã tự nhận làm giám hộ cho tôi. Mỗi tối thay
phiên, họ dẫn tôi đi đến rạp chiếu bóng, xem một phim hài. “Cậu phải cười
nhiều nhất có thể”, họ nhắc đi nhắc lại với tôi. Bất kể tôi muốn hay không,
họ kéo tôi đến rạp. Phim hài không nhiều, nên tôi xem mỗi phim một trăm
lần. Thời gian đầu, tiếng cười của tôi nghe như tiếng khóc...
Nhưng các cơn ác mộng của tôi đã lùi bước. Tôi đã có thể học...”
Tamara Oustinovna Vorobeïkova,
người kháng chiến
“Khi tôi bắt đầu nói đến chiến tranh... là tim tôi trụy...
Những cậu con trai trẻ măng chết... chết vào mùa xuân... Tôi nhớ đau
nhất là chôn người vào mùa xuân, nhất là khi các vườn cây ra hoa. Tôi
không nhớ những bãi cỏ đầy hoa, nhưng tôi nhớ những vườn cây toàn màu
trắng. Trong chiến tranh, hiếm có màu trắng... Dù người ta đã nói với cô cái
ấy rồi, thì cũng cứ ghi điều đó. Đấy là một kỷ niệm rất hiện hữu...