Thế mà, lại không có nhiều người lái đến thế. Và những người đàn ông,
cũng không còn lại nhiều đến thế. Và thấy những giọt nước mắt ấy trong
một ngôi làng sau chiến tranh... Phụ nữ khóc... Trẻ con khóc... Tôi nhớ một
người lính... Gần Staraia Roussa, tôi quên tên ngôi làng... Anh ấy là người
ở đó... Anh ấy đi phá mìn cho nông trang của anh, trên những cánh đồng
của anh, và anh đã hy sinh ở đó. Anh đã chiến đấu suốt bốn năm, trải qua
cuộc chiến, để bị giết sau chiến thắng, tại Tổ quốc mình, trên vùng đất quê
hương...
Hễ bắt đầu kể, là tôi phát ốm. Tôi nói, và bên trong người tôi chỉ có băng
giá, mọi thứ đều run lên. Tôi thấy lại và tôi tưởng tượng; những cơ thể nằm
đấy, miệng mở ra, họ kêu lên và không thể kết thúc được tiếng kêu của
mình, ruột họ tuôn ra khỏi bụng. Trong đời tôi, tôi nhìn thấy những khúc gỗ
bị chặt ít hơn là thấy xác người. Và ghê sợ biết chừng nào! Ghê sợ biết
chừng nào những trận đánh giáp lá cà, khi người ta đánh nhau bằng lưỡi
lê... Lưỡi lê tuốt trần. Người ta đâm ra nói lắp, suốt nhiều ngày người ta
không thể phát ra được một từ cho đúng. Người ta mất khả năng nói. Ai có
thể hiểu được cái mà chính anh ta không biết? Và làm sao kể lại cái đó?
Bằng những từ nào? Khuôn mặt nào? Một số người ít nhiều có thể làm
được việc đó... Họ có thể làm được... Nhưng tôi thì không. Tôi khóc. Mà
cái đó thì phải lưu lại. Phải truyền gửi lại tất cả những cái đó. Đâu đó trên
thế giới người ta còn có thể nghe được những tiếng kêu của chúng ta...
Những tiếng rú của chúng ta... Hơi thở của chúng ta...
Tôi luôn nóng lòng chờ ngày lễ của chúng tôi. Ngày Chiến thắng... Tôi
chờ nó và tôi sợ nó. Trong nhiều tuần lễ, tôi cố tình dồn tất cả quần áo bẩn,
cho thật nhiều, và suốt ngày, tôi ngồi giặt. Ngày hôm đó, tôi phải bận bịu,
tôi phải tránh tập trung suy nghĩ. Và khi chúng tôi gặp nhau, không bao giờ
chúng tôi có đủ khăn tay. Những cuộc họp cựu chiến binh là thế đấy: những
dòng sông nước mắt... Các cửa hàng dành cho trẻ con vẫn cứ bán đồ chơi
chiến tranh... Máy bay... xe tăng... Ai có ý tưởng như thế? Nó xáo động tâm
hồn tôi. Tôi không bao giờ mua, không bao giờ đem cho trẻ con đồ chơi
chiến tranh. Một lần người ta đem đến nhà chúng tôi một chiếc máy bay