Polina Semionovna Nozdratcheva,
cáng thương
“Tôi đã nói với mẹ là không được khóc. Đêm chưa xuống nhưng trời đã
tối và trong không khí đầy tiếng kêu rú. Họ không khóc, những người mẹ
từ biệt con ấy, các bà rú lên. Mẹ tôi không khóc, bà đứng thẳng người, cứ
như đã hóa đá. Bà kìm mình lại, bà sợ tôi òa lên nức nở. Tôi là con cưng
của mẹ, ở nhà tôi luôn được chiều chuộng. Vậy mà ở đây, người ta cắt tóc
tôi rất cụt, chỉ còn một cái mái ngắn phía trước. Bố mẹ tôi không muốn cho
tôi đi, nhưng tôi, tôi chỉ có một ý nghĩ: ra trận, ra trận! Những tranh cổ
động kia, chẳng hạn, ngày nay bày trong các bảo tàng, tác động đến tôi
mãnh liệt: “Mẹ Tổ quốc gọi bạn!”, “Bạn đã làm gì cho mặt trận?” Lúc nào
chúng cũng ở trước mắt tôi...
“Trên đường đi bằng xe lửa, chúng tôi bị ấn tượng vì thấy những người
chết nằm ngay trên mặt đất ở sân ga. Đã là chiến tranh đấy. Nhưng tuổi trẻ
lại mạnh hơn, và chúng tôi lại hát những bài hát quân sự, những ca khúc
vui.
Những năm cuối chiến tranh, cả gia đình tôi đều ở trong quần ngũ. Bố
tôi, mẹ tôi, em gái tôi đều trở thành công nhân xe lửa, bám theo mặt trận,
khôi phục đường sắt. Cả nhà tôi, bố tôi, mẹ tôi, em gái tôi và tôi đều được
thưởng huân chương “Vì chiến thắng”.
Evguenia Sergueïevna Sapronova,
trung sĩ cận vệ
,
thợ máy không quân
“Trước chiến tranh, tôi làm điện thoại viên trong quân đội; đơn vị chúng
tôi đóng ở Borissov nơi chiến tranh lan đến ngay những tuần đầu. Thủ