nhân luyện kim lò cao. Bố tôi cho rằng một người phụ nữ có thể là công
nhân luyện kim, nhưng không thể là phi công.
Giám đốc câu lạc bộ bay biết chuyện đó và ông đã cho phép tôi mời bố
bay một chuyến. Tôi đã làm đúng như thế. Bố và tôi đã cùng bay, từ hôm
đó, ông không nói gì nữa. Chuyến bay đã làm ông thích. Tôi đạt bằng của
câu lạc bộ với thứ hạng tốt, tôi cũng nhảy dù rất giỏi. Trước khi chiến tranh
bùng nổ, tôi đã đủ thời gian để lấy chồng và sinh một đứa con gái.
Tôi không được ra trận ngay. Trước hết có một số thay đổi trong câu lạc
bộ bay của chúng tôi: các nam giáo viên được động viên và chúng tôi,
những người phụ nữ, chúng tôi phải thay thế họ. Chúng tôi lên lớp. Bao
nhiêu công việc, từ sáng đến chiều. Tôi phải chăm con gái; nhưng chúng tôi
luôn ở doanh trại. Buổi sáng, tôi khóa cửa nhốt nó lại, tôi để cháo tấm cho
nó và từ bốn giờ, chúng tôi bay. Tôi chỉ về lúc đã sẩm tối, và nó, dù có ăn
hay không, cũng lấm lem cháo tấm. Nó mới ba tuổi. Bé xíu...
Cuối năm 1941, tôi nhận một tin báo: chồng tôi đã chết ở gần Moskva.
Anh là phi công, phi đội trưởng. Tôi mang con gái đến gửi cho bố mẹ
mình. Và tôi xin ra trận...”
Antonina Grigorievna Bondareva,
trung úy cận vệ, cơ trưởng
“Tôi vừa mười tám tuổi... Tôi hạnh phúc. Bỗng nhiên, quanh tôi, mọi
người hét lên: “Chiến tranh!” Tôi nhớ người ta đã khóc như thế nào. Tất cả
những người tôi gặp ngoài đường đều khóc. Có người cầu khấn. Thật lạ
lùng... Không bình thường... Những con người cầu khấn ngoài đường...
Làm dấu thánh giá... Ở trường, người ta đã dạy chúng tôi là không có Chúa.
Chắc chắn mọi người đều bối rối... Những chiếc xe tăng và những phi cơ
rất đẹp của chúng ta đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy chúng trong các cuộc
duyệt binh. Chúng tôi rất tự hào! Vậy mà... Tất nhiên, đã có một lúc hoảng